Giáo dục

Bi, hài khi chuẩn hóa giáo viên

Thiếu giáo viên nhưng không được tuyển; cắt hợp đồng với giáo viên nhưng phải mời chính giáo viên đó thỉnh giảng; tăng tiết, dồn lớp do thiếu giáo viên là những gì đang diễn ra trong ngành Giáo dục hiện nay.

Giáo viên, học sinh Trường tiểu học Sơn Hà, xã Quan Sơn, Thanh HóaẢnh: Nghiêm Huê

Từ tháng 3/2019, khi nhận được thông báo thi tuyển viên chức của UBND Thành phố Hà Nội, gần 3.000 giáo viên hợp đồng có thâm niên từ 5 năm trở lên trên địa bàn thành phố đứng ngồi không yên. Các giáo viên này đến từ các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Sơn Tây, Mỹ Đức… đều phản ứng khi TP Hà Nội áp dụng Nghị định 161/2018 của Chính phủ trong tuyển viên chức giáo dục. Vì theo họ, làm như vậy là bất công, thiếu tính nhân văn.

Thời gian vừa qua, đơn từ mà những giáo viên hợp đồng này gửi đi các cấp nhiều, nặng đến hàng tạ. Thế nhưng hậu quả nặng nề nhất để lại là ngành Giáo dục phải gánh. Cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên ngữ văn Trường THCS Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội người đã có 24 năm trong ngành Giáo dục chia sẻ: Từ khi có thông tin tuyển viên chức, tâm trạng của cô không được thoải mái nên cũng thiệt thòi cho học sinh.

Rút đơn không thi tuyển đợt này, cô Phương dù chỉ là giáo viên hợp đồng vẫn được hiệu trưởng tin tưởng giao cho dạy Ngữ văn lớp 9, ôn luyện chuẩn bị cho học sinh thi vào lớp 10. Cô Phương cho biết, hiệu trưởng của trường khẳng định, nếu cô không thi, thi không đỗ mà phải cắt hợp đồng thì nhà trường vẫn mời cô giảng dạy cho đến hết năm học này.

Tại các huyện như Ba Vì, Sơn Tây, hơn 300 giáo viên hợp đồng đã bị cắt hợp đồng ngay sau khi kết thúc năm học hoặc trước thềm năm học mới. Thiếu giáo viên, nhiều trường đã phải mời chính những giáo viên vừa bị cắt hợp đồng dạy thỉnh giảng.

Thầy Nguyễn Viết Tiến, nguyên giáo viên Toán hợp đồng Trường THCS Xuân Sơn, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội là người bị cắt hợp đồng ngay sau khi kết thúc năm học vừa qua. Thầy Tiến cho hay, 20 năm qua, thị xã Sơn Tây không có chỉ tiêu biên chế giáo viên môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Năm nay, thầy Tiến đăng ký thi tuyển viên chức tại huyện Phúc Thọ. Hiện tại, do thiếu giáo viên, một số trường của thị xã Sơn Tây phải ký với giáo viên thỉnh giảng như: Trường THCS Đường Lâm, Xuân Sơn, Xuân Khanh, Thanh Mỹ, Phùng Hưng, Sơn Đông.

Thầy Tiến cũng được Trường THCS Xuân Sơn ký hợp đồng thỉnh giảng. Một giáo viên tại Trường THCS Phú Sơn, Ba Vì cho biết, do có hai giáo viên Toán của trường bị cắt hợp đồng nên để đảm bảo nội dung giảng dạy cho học sinh, các giáo viên còn lại phải tăng tiết dạy lên rất nhiều trong tuần.

Thiếu nhưng không được tuyển

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa qua, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm học 2018-2019, toàn tỉnh Thanh Hóa có 2.106 trường học, trong đó có 2.068 trường công lập, 38 trường tư thục, tổng số học sinh 844.666, (tăng hơn 20.000 học sinh so với năm học trước). So với quy định, toàn tỉnh hiện còn thiếu hơn 5.000 giáo viên. Trong đó, thiếu 2.783 giáo viên mầm non, 1.753 giáo viên tiểu học, dư 948 giáo viên THCS, cấp THPT thiếu 280 giáo viên và hơn 200 nhân viên hành chính.

Còn theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2019, thành phố sẽ tổ chức thi để tuyển gần 11.000 giáo viên, đúng bằng số giáo viên hợp đồng hiện nay, nhưng không phải là để hợp thức hóa số giáo viên hợp đồng sẵn có. Theo Nghị định 161, giáo viên nào đang hợp đồng nhưng thi tuyển không đỗ phải chấm dứt hợp đồng.

Trong khi đó, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm học 2019 -2020, toàn quốc thiếu hơn 49.000 giáo viên mầm non, do từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ mầm non tăng nhanh (tăng hơn 1,2 triệu trẻ do đó, cần thêm khoảng hơn 80.000 giáo viên). Bộ GD&ĐT cũng cho biết, nhiều tỉnh thiếu hàng ngàn giáo viên: Kiên Giang thiếu 1.008 giáo viên, TPHCM thiếu 1.290 giáo viên; Bình Dương (2.811), Đồng Nai (1.762), Gia Lai (2.572), Nghệ An (1.939), Nam Định (1.169), Thái Bình (3.167), Hưng Yên (1.742), Hải Dương (1.823), Bắc Ninh (1.479), Vĩnh Phúc (2.300), Bắc Giang (1.019), Sơn La (3.355)...

Tuy nhiên, số lượng giáo viên được tuyển dụng hằng năm chưa tương xứng với số trẻ tăng thêm, trong khi mỗi năm toàn quốc có khoảng 3.000 giáo viên nghỉ hưu. Công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy mô trường, lớp tăng hằng năm. Một số địa phương chưa đáp ứng kịp do thiếu biên chế, thiếu kinh phí, vướng mắc về tính pháp lý khi ký hợp đồng lao động.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng cho biết, nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định. Nhưng một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số, do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.

Trước năm học mới, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên (bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên).

Tác giả: NGHIÊM HUÊ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP