Hình ảnh cắt từ clip. |
Thiếu kỹ năng ứng xử?
Ngày 1/10, trên mạng facebook chia sẻ một clip ghi lại cảnh đánh nhau trong phòng khám bệnh khi người nhà của bệnh nhi lao vào đánh bác sĩ và bác sĩ cũng quay ra phản đòn.
Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ ý kiến vì sao bác sĩ lại có hành động đánh trả, còn trong giới y bác sĩ thì thấy mừng vì bác sĩ đã đứng lên tự vệ cho chính mình.
Nhiều người cho rằng trong trường hợp này bác sĩ thiếu kỹ năng ứng xử. Người bệnh và thân nhân luôn luôn trong trạng thái lo lắng, căng thẳng và trông chờ bàn tay xoa dịu. Là thầy thuốc cần tinh thông tâm lý, hiểu rõ sự việc và có kỹ năng xoa dịu tinh thần cho khách hàng.
Trong clip người mặc áo blouse trắng đã có thái độ không đúng mực trước người nhà bệnh nhân khiến họ phẫn nộ và tấn công. Tất nhiên điều này không đúng, tuy nhiên khi mặc áo thầy thuốc thì cần có kỹ năng xử trí tình huống theo hướng trí thức.
Chị Trần Thu Phương – Hà Nội cho rằng bạo lực sẽ chỉ sinh ra bạo lực. Giống như việc dạy con, có thể đánh nó khi còn bé nhưng khi nó đủ lực nó sẽ đánh lại và gia đình càng thêm phức tạp chứ không hề được giải quyết. Vậy nhưng nếu được trang bị tốt kỹ năng kiềm chế - kiểm soát - xử lý thì sẽ khó phát sinh bạo lực chân tay.
Do đó, chị Phương đồng tình về giải pháp đánh lại khi đó là bước đường cùng. Trường hợp bác sĩ cảm thấy không an toàn hoàn toàn có thể từ chối phục vụ khi bệnh nhân lớn tiếng, không cần thiết phải giải thích, nói gì với 1 bệnh nhân đang nổi nóng như vậy.... để rồi sự việc leo thang.
Mừng vì bác sĩ biết phản kháng
TS Võ Xuân Sơn – nguyên bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng bệnh nhân (hay người nhà bệnh nhân) đánh bác sĩ là chuyện thường xảy ra. Khi thấy hình ảnh này hầu như không còn mấy ai cảm thấy phản cảm khi xem những hành động ấy.
Sau khi xem clip, TS Sơn cho biết bản thân ông thấy mừng nhân viên y tế đã biết phản kháng, đã biết tự bảo vệ mình. Người bác sĩ đang đứng ở một vị trí cùng đường, không có đường để tháo chạy (đứng phía bên trong). Như vậy, nếu không phản kháng, anh có thể sẽ trở thành Bác sĩ Giàu thứ hai. (PV – BS Giàu – Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, Thái Bình bị người nhà bệnh nhân đâm tử vong).
Phần nữa, từ trước đến nay, người nhà bệnh nhân cho rằng việc hành hung bác sĩ và nhân viên y tế mà không có phản kháng nào là đương nhiên, điều này càng gây ra tiền lệ nạn bạo hành y tế.
Việc bác sĩ phản kháng lại là một cảnh báo cho họ: nếu họ hành hung, họ sẽ nhận được sự đáp trả.
“Mạng sống của chúng ta là do cha mẹ chúng ta tạo lập nên. Sức khỏe, sự an toàn của chúng ta là điều thiêng liêng nhất, là quyền tự do thân thể, được Hiến pháp công nhận. Chẳng có quan chức nào, dù ở bất cứ cấp nào, có quyền bắt chúng ta không phản kháng khi bị tấn công” – TS Xuân Sơn nhấn mạnh.
Rất nhiều các bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên và nhân viên y tế khác đã bàng hoàng khi những vụ bạo hành y tế liên tiếp xảy ra với mật độ dày đặc.
Đa số các bác sĩ đều bất bình trước vụ việc bác sĩ bị hành hung, đặc biệt khi cơ quan công an cho rằng việc hành hung do hiểu lầm, do bác sĩ quá nguyên tắc đã đẩy bức xúc với giới y khoa lên đến tột cùng.
Trước những lời bình luận “hả hê”, chê bai bác sĩ bị hành hung thì TS Sơn cho rằng mọi người có cái nhìn xấu về bác sĩ, ngành y và thường có suy nghĩ không có lửa làm sao có khói. Giống như mọi ngành nghề khác, ngành Y cũng có người tốt, kẻ xấu, có những tiêu cực. Nhưng lấy cái tiêu cực của ngành y để biện minh cho bạo hành y tế thì là ngụy biện. Cả 2 vấn đề, tiêu cực trong ngành Y và bạo hành y tế đều là những cái xấu, cần phải trấn áp, xóa bỏ.
Hình ảnh bác sĩ bị hành hung và anh ta không có lối thoát nào đã xảy ra ở nhiều nơi như vụ việc của Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội năm 2018, và qua hình ảnh clip chia sẻ mới đây nhất thì bác sĩ đã “cùng đường”.
TS Sơn cho rằng tất cả các khu vực "nóng" trong các cơ sở y tế đều phải được thiết kế có đường thoát hiểm, cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Có phương án khả thi để thoát hiểm, song song với việc trấn áp những kẻ manh động. Tất cả những điều này phải là bắt buộc đối với các cơ sở y tế.
Tác giả: K.C
Nguồn tin: Báo Infonet