Thế giới

Phủ quyết dự luật 11/9, Obama đẩy Clinton vào thế khó

Việc ông Obama phủ quyết dự luật cho phép kiện Arab Saudi vì liên quan đến vụ 11/9 có thể khiến bà Clinton phải chọn lựa giữa cử tri và lợi ích lâu dài của Mỹ.

Hillary Clinton và Obama. Ảnh: Reuters


Tổng thống Barack Obama hôm 23/9 phủ quyết dự luật Chống Tài trợ Chủ nghĩa khủng bố (JASTA) - dự luật cho phép nạn nhân và gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9 kiện Arab Saudi, nước bị cáo buộc giúp sức một số tên trong nhóm khủng bố gây ra thảm kịch.

Động thái phủ quyết của ông Obama đặt Hillary Clinton, người phụ nữ mà ông muốn kế nhiệm mình, vào thế khó. Đó là buộc bà đưa ra lập trường hoặc chống lại cử tri cũ của bà ở New York hoặc chống lại đồng minh lâu đời của Mỹ ở Trung Đông, theo Daily Beast. Tuy ông Donald Trump đã chỉ trích ông Obama vì phủ quyết dự luật, bà Clinton mới là người từng nhiều lần lên tiếng về dự luật này.

Được và mất

Bình luận viên của Nancy A. Youssef của Daily Beast cho rằng về mặt chính trị, bước đi khôn ngoan cho bà Clinton lúc này là hết mức ủng hộ JASTA. JASTA sẽ cho phép nạn nhân các vụ khủng bố trên đất Mỹ kiện chính phủ nước ngoài bảo trợ cho khủng bố, chẳng hạn Arab Saudi, bị cáo buộc tài trợ cho al-Qaeda.

Trong khi các quan chức Arab Saudi phủ nhận bất cứ liên quan nào và Ủy ban 11/9 của Mỹ không phát hiện thấy mối liên hệ nào của chính phủ Arab Saudi với nhóm khủng bố, có nhiều suy luận cho rằng các quan chức cấp thấp Arab Saudi đã nắm được thông tin về vụ khủng bố trước khi nó xảy ra.

Tuy nhiên, về mặt chính sách, sự ủng hộ đó có thể gây ra những tác dụng ngược về sau này. Nhà Trắng lập luận rằng JASTA có thể điều chỉnh quy chế miễn trừ ngoại giao khắp thế giới, khiến các nhà ngoại giao và binh sĩ Mỹ có nguy cơ bị kiện ở các nước họ làm nhiệm vụ. Theo Nhà Trắng, các nước khác có thể bắt chước Mỹ thông qua các đạo luật tương tự như JASTA. Tổng thống Obama cho rằng JASTA sẽ gây tổn thương cho an ninh quốc gia Mỹ vì những đơn kiện tiềm tàng như vậy.

Một điều quan trọng nhưng hầu như ít được bàn luận là JASTA có thể gây nguy hại cho mối quan hệ giữa Mỹ với vùng vịnh Persia giàu dầu mỏ. Arab Saudi đã mở cuộc vận động phản đối JASTA. Các quan chức Arab Saudi thông báo với chính quyền Obama họ sẽ bán 750 tỉ USD tài sản của nước này tại Mỹ, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ Mỹ nếu JASTA được Obama thông qua.

Arab Saudi là một trong những đối tác Arab đáng tin cậy nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông ngày càng biến động. Quân đội Mỹ đang cung cấp vũ khí và hỗ trợ trinh sát cho cuộc chiến mà Arab Saudi phát động ở nước láng giềng Yemen, để giúp chính phủ nước này tiêu diệt lực lượng phiến quân Hồi giáo Houthi. Đây là một trong nhiều ví dụ cho thấy mối quan hệ hợp tác an ninh khăng khít giữa Mỹ và Arab Saudi.

Tuy nhiên, tại New York, nơi bà Clinton từng đại diện với tư cách thượng nghị sĩ năm 2001 - 2009, mọi người không mấy lo lắng về các hệ lụy dài hạn của JASTA đối với chính sách đối ngoại Mỹ. Gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 muốn có cơ hội để kiện chính phủ Arab Saudi ra tòa và buộc họ phải điều trần những gì họ biết về vụ khủng bố này.

Clinton nói rằng bà sẽ ủng hộ JASTA dù ông Obama đã tỏ ý không ủng hộ nó trong nhiều tháng trước đó. Tuy nhiên, sự ủng hộ của bà có vẻ hờ hững. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, bà nói sẽ ủng hộ ý tưởng cho một dự luật như vậy nhưng cho biết thêm bà không biết nhiều về các chi tiết của dự luật.

"Rõ ràng, chúng ta phải buộc những ai tham gia hay hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố trả giá và chúng ta cũng phải lưu ý về bất cứ hậu quả nào có thể ảnh hưởng đến người Mỹ, dù là quân nhân hay dân thường, và đất nước chúng ta", bà Clinton nói trước cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ hồi tháng 4 ở New York.

"Tôi biết vấn đề này từ lâu nhưng không biết chi tiết về dự luật mà bạn đề cập đến. Nhưng tất nhiên, tôi sẽ nghiên cứu nó", bà Clinton cho biết. Ít phút sau cuộc phỏng vấn, ban vận động tranh cử của bà ra tuyên bố ủng hộ JASTA.

Câu giờ

Tuy nhiên, nếu được bầu làm tổng thống, bà Clinton có thể từ bỏ lập trường ủng hộ này. "Về chính trị, không có lý gì để không ủng hộ JASTA nhưng về lâu dài, nó sẽ gây ra rủi ro. Nó sẽ đặt ra tiền lệ", Lawrence Korb, chuyên gia phân tích quốc phòng đến từ Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP) có trụ sở ở Washington, giải thích.

Nếu JASTA được thông qua và Clinton được bầu làm tổng thống, bà sẽ chứng kiến binh sĩ Mỹ, được triển khai khắp thế giới theo lệnh của bà, chịu ảnh hưởng trước một luật tương tự ở nước ngoài. Liệu bà có còn ủng hộ JASTA nếu nó khiến binh sĩ Mỹ bị khởi tố?

JASTA không phải là vấn đề đầu tiên gây bất đồng về chính sách ngoại giao giữa Obama và Clinton. Khi còn là ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton đã ủng hộ chiến dịch trang bị cho các nhóm đối lập ôn hòa ở Syria mạnh mẽ hơn nhưng ông Obama phản đối.

Chuyên gia Korb cho rằng động thái phủ quyết của ông Obama giúp Clinton "câu giờ". Sau khi ông Obama phủ quyết, dự luật sẽ lại đi qua tiến trình lập pháp. Trong quãng thời gian đó, bà Clinton có thể điều chỉnh lập trường của mình.

"Bà ấy nên nói rằng bà cần thời gian để đánh giá các lý do khiến ông Obama phủ quyết JASTA cũng như các lý do quốc hội Mỹ ủng hộ nó. Sau này, nếu trở thành tổng thống, bà có thể nói bà có lập trường mới sau khi đánh giá sâu thêm về JASTA", Korb nói.

Tác giả bài viết: Hồng Vân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP