LTS: Tình trạng lạm thu tại các trường học đã được cô giáo Thuận Phương lý giải một phần xuất phát từ việc hội phụ huynh đứng về phía nhà trường cùng với tâm lý các phụ huynh ngại động chạm nên xuôi theo, phần khác vì “bệnh sĩ” mà ủng hộ khiến tình trạng này vẫn chưa thuyên giảm.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Dù năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tháng nhưng chuyện lạm thu ở một số trường học khắp nơi trong cả nước vẫn nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể kể ra đây một số trường học có mức lạm thu điển hình.
Đầu tiên phải kể đến trường Tiểu học Minh Khai (thành phố Thanh Hóa), học sinh lớp 1 phải đóng tới 7 triệu 5 trăm ngàn đồng.
Ngoài một số khoản thu đúng quy định còn một số loại quỹ “trời ơi” như xã hội hóa giáo dục 400 ngàn/ năm, quỹ Hội cha mẹ 170 ngàn/ năm, ngoại khóa 50 ngàn/ năm, hỗ trợ nhà bếp 396 ngàn/ năm.
Trường Tiểu học Khe Sanh có 8 khoản đóng góp tự nguyện phục vụ cho học sinh do ban đại diện cha mẹ học sinh của trường lập, với tổng số tiền là 633 ngàn đồng.
Trường Trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo (Gia Lai) yêu cầu mỗi học sinh phải đóng quỹ 1 triệu đồng để lo kinh phí hoạt động của lớp.
Lạm thu trong các trường học thường ẩn dưới mác "đóng góp tự nguyện" (Ảnh: tienphong.vn).
Trường Tiểu học Đông Vệ 2 (Thanh Hóa) thu tiền phông rạp 150.000 đồng/ học sinh; thiết bị vệ sinh, tưới cây: 165.000 đồng/ em; hoạt động ngoại khóa: 50.000 đồng; bảo trì máy tính: 90.000 đồng.
Trường Tiểu Quảng Long thu khoản tiền xã hội hóa giáo dục huy động lên đến 800.000 đồng/ học sinh/ năm.
Trong đó, gồm 300.000 tiền sữa chữa khuôn viên, và 500.000 tiền sửa bàn ghế; vệ sinh môi trường, vệ sinh công cộng: 100.000 đồng/ học sinh…
Hội phụ huynh bù nhìn?
Có ai từng đặt câu hỏi, vì sao trong nhà trường cần có hội phụ huynh?
Hội phụ huynh học sinh trong các trường phổ thông được lập ra với mục đích là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh học sinh để giải quyết các vấn đề ngoài quyền hạn của nhà trường.
Nói chính xác, hội phụ huynh là đại diện cho tất cả phụ huynh trong nhà trường nói lên tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của phụ huynh với nhà trường.
Bởi thế, hội phụ huynh sẽ là nơi bảo vệ quyền và nghĩa vụ của tất cả phụ huynh trong trường.
Nhưng trong thực tế, hội phụ huynh đang đánh mất dần vị thế, vai trò của mình thông qua việc đi ngược lại với quyền lợi của phụ huynh và quay sang thỏa hiệp với những yêu cầu có lợi cho nhà trường.
Khi toàn xã hội nên án về tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, tình trạng đóng nhiều các loại phí trong các nhà trường thì đáng lý ra hội phụ huynh phải thể hiện vai trò của mình như cương quyết đấu tranh, không chịu thỏa hiệp để giúp nhà trường thu đúng, thu đủ, giúp phụ huynh bớt đi những khoản đóng góp quá vô lý.
Ngược lại, hội phụ huynh lại là nơi hợp thức hoá các khoản thu bất hợp pháp cho nhà trường, làm biến chất một bộ phận cán bộ quản lý không trong sạch để trục lợi cá nhân.
Thường thì sau khi các trường công bố các khoản thu với phụ huynh toàn trường, Hiệu trưởng phải có cuộc họp với hội phụ huynh để đi đến thống nhất.
Trường hợp, hội phụ huynh không đồng ý, chắc chắn kế hoạch của nhà trường không thể thực hiện được, thế nhưng không có nhiều hội phụ huynh làm được điều này, bởi họ thường bị những điều lợi khác cám dỗ nên dễ dàng thỏa hiệp theo.
Có trường, ưu tiên cho con của hội phụ huynh được miễn giảm một số khoản, trường chi tiền bồi dưỡng cho hội phụ huynh dưới danh nghĩa chi tiền xăng xe hội họp, trường mua quà tặng những ngày lễ tết…
Thế rồi, trong các buổi họp phụ huynh toàn trường, chẳng thấy nhà trường lên tiếng về những khoản thu bất hợp lý, toàn là đại diện hội phụ huynh thao thao bất tuyệt theo kiểu “vì con em chúng ta, phụ huynh cần có sự hợp tác với nhà trường trong các khoản…”.
"Bệnh sĩ" lên ngôi!
Bên cạnh sự “tiếp tay” của hội phụ huynh nên nhiều trường học xảy ra tình trạng lạm thu triền miên từ năm này qua năm khác.
Phần lớn phụ huynh không đồng tình với nhiều khoản thu bất hợp lý nhưng cũng chỉ dám “ngậm đắng nuốt cay” bởi họ sợ con mình bị “chiếu tướng” nên làm thinh đóng tiền trong ấm ức.
Ngoài ra một số phụ huynh khác lại mắc bệnh sĩ nên tình trạng lạm thu không có hồi kết.
Đơn cử, trong một cuộc họp phụ huynh ở một trường phổ thông trung học, trong khi giáo viên điều hành cuộc họp chưa nói gì, có phụ huynh đứng lên nói: “Lớp mình cần phải xây dựng quỹ lớp, theo tôi mức đóng một em là 200 ngàn đồng”.
Thầy giáo vội lên tiếng “Quỹ lớp không bắt buộc đóng giống nhau, phụ huynh tự nguyện có ít ủng hộ ít, nhiều ủng hộ nhiều, nói chung là tùy lòng hảo tâm”.
Thấy thế, vị phụ huynh nọ nói lớn “Thế thì cho tôi xin ủng hộ 1 triệu, nếu lớp thu được ít tiền quá thì lấy gì hoạt động”.
Nhiều người nhìn nhau và nhiều tiếng nói lên “Tôi ủng hộ 5 trăm, tôi 4 trăm…”.
Một người ngồi bênh cạnh ghé tai nói nhỏ “Giờ sao đây? Ai cũng ủng hộ nhiều, mình 1 trăm thì kì quá”. Lưỡng lự hồi lâu, chị tặc lưỡi “Thôi, mấy ăn cũng hết” và đứng lên ghi tên mình ủng hộ 3 trăm.
Chỉ tội cho một số phụ huynh nhà nghèo không có tiền nên ngồi buồn thật buồn. Có chị than: “Nói là tự nguyện nhưng người ta đóng nhiều quá, mình ít quá cũng kì kì. Để ít bữa kiếm tiền cho con ủng hộ sau”.
Nếu hội phụ huynh làm đúng vai trò của mình, đừng mắc “bệnh sĩ” mà cùng đồng lòng cương quyết đấu tranh với những khoản thu bất hợp lý của nhà trường thì tình trạng lạm thu như hiện nay sẽ dễ dàng chấm dứt.
Tác giả bài viết: Thuận Phương