Hình minh họa |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính TƯ chỉ rõ, trong quá trình sửa đổi Luật PCTN, một số quy định như kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, PCTN trong khu vực tư… vẫn còn nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Một trong những nguyên nhân gây nên tồn tại trong công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập được đại diện Thanh tra Chính phủ nêu lên là do các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hiện nay quá rộng, dẫn đến khó quản lý, khó kiểm soát và khai thác, sử dụng các dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai cho công tác PCTN.
Hơn thế, việc mở rộng các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, tham nhũng cũng dẫn đến sức ép về năng lực tổ chức thực hiện cho các cơ quan có thẩm quyền và dẫn đến tính hình thức trong việc thực hiện các biện pháp này.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC đề xuất phải thu hẹp về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào nhóm đối tượng giữ chức vụ nhất định, trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Đánh giá quy định “Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên” là hợp lý, ông Độ cho rằng, cần quy định bắt buộc công dân thuộc đối tượng kê khai phải kê khai tài sản đầy đủ, tài sản tăng thêm phải giải trình được. Nếu không kê khai hoặc kê khai không trung thực, không giải trình được thì đề xuất tịch thu.
Còn ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đề xuất cần tạo cơ chế bên thứ 3 phân giải để người có nghĩa vụ kê khai có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và đảm bảo quá trình kê khai minh bạch.
Về vấn đề này, đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của những người có quan hệ mật thiết với cán bộ, công chức là một biện pháp nhằm phát hiện tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được che đậy dưới danh nghĩa tài sản của những người khác như của vợ, chồng, con…
Tuy nhiên, cần có quy định về việc xử lý tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý, thậm chí phải có cơ chế thu hồi đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp đó, đồng thời cần có các hình thức xử lý vi phạm mang tính phòng ngừa và răn đe đối với người kê khai không trung thực, không giải trình được.
Tác giả: Lê Hồng
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam