Phó Thủ tướng Lê Văn Thành |
Doanh nghiệp kiến nghị không đóng cửa nhà máy chỉ vì một F0
Ngày 20/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp”.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ đã phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát 500 tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động cho thấy, gần 50% doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.
Qua phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp, bà Ngọc cho biết những khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt như chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất.
Lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo tại cuộc họp |
Ngoài ra, các doanh nhiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như: chi phí xét nghiệm; chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ.
Là doanh nghiệp có hơn 6.300 lao động tại khu công nghệ cao của TPHCM, đại diện Công ty Nidec Việt Nam nêu kiến nghị, sau khi hoạt động trở lại, bất kỳ trường hợp F0 nào được phát hiện tại dây chuyền sản xuất, chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, không phải đóng toàn bộ doanh nghiệp. Có nhiều lao động ngoại tỉnh, doanh nghiệp mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho lao động di chuyển giữa các địa phương.
Cùng quan điểm, đại diện Công ty Nike Việt Nam, đơn vị có kim ngạch xuất khẩu hơn 7 tỷ USD, bày tỏ băn khoăn về việc phục hồi sản xuất nhưng phải bảo đảm “tuyệt đối an toàn”. Công ty cũng mong muốn là không đóng cửa toàn bộ nhà máy khi phát hiện 1 ca F0 mà chỉ cần nhanh chóng tách F0 và cách lý người tiếp xúc F0 trong nhà máy. Nhân viên đã tiêm đủ liều vắc xin và có xét nghiệm âm tính thì được đi làm hàng ngày.
Không ban hành “giấy phép con” gây cản trở lưu thông
Giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, cụm từ “tuyệt đối an toàn” mà doanh nghiệp băn khoăn ở đây nghĩa là tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong doanh nghiệp.
“Nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà đến lúc trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động”, Phó Thủ tướng nói.
Các đại biểu tham dự cuộc họp |
Nhấn mạnh, Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần có kế hoạch cụ thể phân bổ vắc xin về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động. Các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế phối hợp để làm sao ưu tiên vắc xin cho người lao động sản xuất công nghiệp.
Về giao thông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc luôn đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông huyết mạch, trong trường hợp phải phong tỏa thì tìm tuyến thay thế để hàng hóa lưu thông. Bộ GTVT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng văn bản cấp trên tạo điều kiện thông suốt nhưng ở cấp dưới lại gây ách tắc. Ngành Giao thông và các địa phương không được ban hành các “giấy phép con” gây cản trở lưu thông.
Đối với việc nhập cảnh của các chuyên gia, lao động tay nghề cao, Phó Thủ tướng lưu ý cần tạo điều kiện tối đa, nhưng đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương về việc phục hồi một số dịch vụ cần thiết đối với các khu công nghiệp.
Tác giả: Văn Kiên
Nguồn tin: Báo Tiền Phong