Giáo dục

Phó Giáo sư trẻ có bằng độc quyền sáng chế quốc tế

Với 4 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 65 bài báo, công trình nghiên cứu khoa học quốc tế và trong nước, tiến sĩ trẻ Nguyễn Thanh Bình vừa được trường ĐH KH Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư (PGS). Anh cũng là người vừa nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng của T.Ư Đoàn năm 2021.

Kiên trì theo đuổi ứng dụng thực tế

Tốt nghiệp thủ khoa chương trình cử nhân Toán-Tin học của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM năm 2008, Nguyễn Thanh Bình có cơ hội đặt chân đến Pháp để bắt đầu hành trình nghiên cứu, trau dồi những kiến thức mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Sau 4 năm nỗ lực luyện rèn trên đất nước hình lục lăng, chàng trai Sài Thành đã tốt nghiệp xuất sắc bậc Thạc sĩ tại ĐH Orleans và bảo vệ luận án tiến sĩ (loại ưu) tại ĐH Bách khoa Paris.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM nhận quyết định bổ nhiệm PGS cuối tháng 12/2022

Nhớ lại chặng đường nghiên cứu khoa học của mình, anh Bình thấy may mắn khi đã có 4 bằng độc quyền sáng chế quốc tế phục vụ cho công nghiệp may mặc và xây dựng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thẩm định chất lượng sản phẩm ở các nhà máy, các xưởng sản xuất. Trong đó, anh “nổi danh” với bằng sáng chế mới được cấp tại Mỹ vào tháng 7/2021, xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng sợi vải tự động trong lĩnh vực may mặc bằng cách sử dụng máy đo quang phổ. Sáng chế này đang được triển khai áp dụng trong doanh nghiệp.

Ba bằng sáng chế còn lại của anh đã “hiến kế” xây dựng các hệ thống AI để dự đoán lỗi có khả năng xảy ra trong quá trình sản xuất tại các nhà máy may mặc. Nó cũng giúp đánh giá chất lượng sản xuất của các nhà máy may một cách tự động thông qua dữ liệu thẩm định lịch sử, ước lượng rủi ro trong quá trình sản xuất đơn hàng tại một nhà máy nào đó.

Không chỉ “nổi danh” với bằng độc quyền sáng chế, tính đến thời điểm hiện tại, anh Bình có tới 65 bài báo khoa học được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước xoay quanh hai chủ đề: khoa học tính toán, máy học ứng dụng.

“Tôi kiên trì theo đuổi hướng nghiên cứu này bởi các kết quả nghiên cứu thường trực tiếp liên quan đến các ứng dụng thực tế. Trong trường hợp có những kết quả nghiên cứu tốt, chúng ta có thể hoàn toàn chuyển giao và tích hợp kết quả trong các sản phẩm ứng dụng”, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Giúp học trò vươn ra thế giới

Thời điểm tốt nghiệp Tiến sĩ tại Pháp, anh Bình được gợi mở thêm nhiều cơ hội làm việc, môi trường nghiên cứu tiên tiến ở nước ngoài. Gạt qua những ưu đãi, mức lương hấp dẫn, anh chọn về nước cống hiến cho ngành sư phạm, “chỉ đường” cho sinh viên muốn xin học bổng nghiên cứu khoa học.

Trong quá trình giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, anh nhận thấy nhiều bạn sinh viên có ham muốn tiếp cận tri thức thế giới nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nếu đi du học, các em chỉ có thể xin học bổng hoặc được hỗ trợ học phí. Bằng kinh nghiệm và vốn sống của mình, anh đã định hướng và giúp hơn 20 sinh viên giành học bổng học thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ ở các trường đại học uy tín trên thế giới.

Với vai trò là một giảng viên trẻ, anh luôn đau đáu trước câu hỏi làm sao có thể truyền cảm hứng đến sinh viên về tinh thần sáng tạo trong nghiên cứu khoa học? “Tôi cho rằng, trước tiên, bản thân mình phải là một “cái gương sáng” trước. Sau đó mới dần gợi mở và kết nối cho sinh viên với những hoạt động nghiên cứu khoa học như hội thảo, kỳ thi học thuật trong và ngoài nước, tham gia nhóm nghiên cứu…”, PGS. Bình nói.

Sinh viên ngày nay rất thông minh, nhạy bén, dám nghĩ dám làm, nhưng anh Bình cho rằng, trong nghiên cứu khoa học, đôi khi cần một chút “độ lỳ”. Bởi không phải lúc nào các thông tin hữu ích đều có sẵn, mà phải mày mò nghiên cứu, xử lý thêm dữ liệu, và kiểm tra các phương pháp khác nhau để đưa ra kết luận.

Được bổ nhiệm chức danh PGS là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy của anh Bình, ghi nhận sự nỗ lực bền bỉ sau hành trình dài nghiên cứu khoa học. Song anh nhận thấy sẽ phải nỗ lực thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của một PGS đối với sự phát triển của khoa học nước nhà.

“Giữa nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giảng dạy, tôi nghĩ cả hai đều quan trọng. Nghiên cứu giúp chúng ta mở rộng ý tưởng, hướng đến đề xuất các phương pháp giải quyết hiệu quả cho các bài toán mới. Từ đó, tích luỹ tốt hơn các kinh nghiệm nghiên cứu cho từng dạng bài toán, đóng góp cho các kết quả nghiên cứu chung của cộng đồng nhà khoa học”, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình hiện là Trưởng bộ môn Ứng dụng Tin học tại khoa Toán-Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM. Anh đã có 4 bằng độc quyền sáng chế quốc tế; 65 bài báo, công trình nghiên cứu khoa học quốc tế và trong nước. Với những thành tựu trong nghiên cứu khoa học, anh đã được trao giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2021. Năm 2022, anh được trao danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu”; “Giảng viên tiêu biểu”.

Tác giả: Châu Linh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP