Kinh tế

Phân khúc bất động sản nào đang được NHNN cấp tín dụng?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, các dự án bất động sản (BĐS) đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và đảm bảo kế hoạch trả nợ... sẽ được cấp tín dụng.

NHNN kiểm soát tín dụng phân khúc đầu cơ

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi tới NHNN sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, BĐS là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế, lĩnh vực khác cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường BĐS đã lắng xuống. Theo đó, cử tri đề nghị NHNN có giải pháp mở rộng và tăng hạn mức tín dụng cho lĩnh vực BĐS trong phạm vi cả nước.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cho rằng, nguồn vốn chỉ là một trong các vướng mắc và tín dụng chỉ là một trong các kênh huy động vốn cho thị trường BĐS. Bởi vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, cần nhiều giải pháp chính sách đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương.

NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý vay (ảnh: Như Ý).

Về phía ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong thời gian qua, NHNN luôn chủ trương cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Chính sách của NHNN là khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.

Trong nhiều năm qua, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS luôn chiếm khoảng 19 - 21% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng trưởng 24%, trong đó dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng gần 24,03%, đều ở mức cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Năm 2023, NHNN đã đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn năm trước, ở mức 14 - 15%; có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để đáp ứng nhu cầu vốn cho các ngành, lĩnh vực, trong đó có BĐS.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và đảm bảo kế hoạch trả nợ.

Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, BĐS không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng...

Thống đốc chỉ đạo các ngân hàng kịp thời báo cáo về những khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng. Nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS.

Các ngân hàng đang cho vay BĐS thế nào?

Mới đây, tại hội nghị tín dụng cho BĐS, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank - thông tin, đến hết 31/12/2022, dư nợ bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của nhà băng này, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong đó, cho vay đối với cá nhân chiếm 90% và 10% với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản. Đáng chú ý, dư nợ BĐS khu công nghiệp tăng 4 lần trong năm 2022 do tiềm năng của ngành nghề này.

"Với lĩnh vực BĐS du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, Vietcombank nhận định du lịch trong nước và quốc tế đã phục hồi nên năm 2023 sẽ có những chính sách thay đổi phù hợp với thực tế. Chúng tôi sẽ lựa chọn các doanh nghiệp bất động sản uy tín để cho vay", ông Tùng nói.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV - cho biết, tính đến hết năm 2022, tổng dư nợ cho vay bất động sản tại BIDV là 275.000 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ trọng cho vay BĐS chiếm khá lớn trong danh mục, tương ứng tỷ lệ tăng 20% so với năm trước. Tuy nhiên, BIDV tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân là 217.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo 4 ngân hàng OCB, ACB, VietCapitalBank đều khẳng định không từ chối cho vay đối với phân khúc đất nông nghiệp, hay phân khúc đất thuê tại khu công nghiệp.

Tác giả: Ngọc Mai

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP