Giáo dục

Phải quy đổi điểm trúng tuyển để có căn cứ phân chia chỉ tiêu tuyển sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển là công việc của các trường đại học, sẽ không ảnh hưởng đến điểm số của thí sinh.

Một trong những thay đổi lớn nhất của kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay là quy đổi tương đương điểm trúng tuyển để bảo đảm công bằng, minh bạch.

Trả lời báo chí về sự điều chỉnh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: "Các năm trước khi thực hiện xét tuyển sớm, các trường sử dụng đa dạng các phương thức xét tuyển, nhưng điểm chuẩn có nhiều bất hợp lý.

Khảo sát nhiều năm có thể thấy, điểm chuẩn ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT "nhảy vọt" lên rất cao, nhưng điểm xét học bạ lại ở mức thấp,…Điều này có bất hợp lý không? Nếu xác định điểm chuẩn dựa trên chỉ tiêu sẽ là một bài toán có nhiều biến số và hoàn toàn không có căn cứ".

Thứ trưởng nhận định dưới góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT quan tâm đến quyền lợi thí sinh, dù mất công bằng xảy ra ít, nhưng vẫn là mất công bằng. Phía các cơ sở giáo dục đại học, khi tuyển sinh không đảm bảo công bằng, cũng ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của chính nhà trường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Thông tin thêm, ông Hoàng Minh Sơn cho hay: "Chưa có một trường đại học nào chỉ ra được căn cứ việc phân chia chỉ tiêu của từng ngành. Ví dụ, một ngành 200 chỉ tiêu, các trường căn cứ vào đâu để đưa ra phương thức này là 50 chỉ tiêu, phương thức khác 100 hay 150 chỉ tiêu. Nhưng khi quy đổi điểm tương đương, các trường phải suy nghĩ tại sao quy đổi điểm như vậy".

Cùng với đó, việc quy đổi điểm tương đương là nhiệm vụ của các trường thực hiện và công bố, nhằm để Bộ GD&ĐT giám sát. Phía các em thí sinh chỉ cần tập trung ôn tập thật tốt, không cần phải lo lắng điều chỉnh này.

"Điều này tốt hơn cho thí sinh, sẽ không có chuyện lợi dụng chuyện này để tăng giảm chỉ tiêu", ông Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Tỉ lệ xét tuyển ở các phương thức năm 2024

Mặc dù có sự thay đổi về phương án và quy chế tuyển sinh nhưng về cơ bản, Trường Đại học Hà Nội vẫn duy trì ổn định 3 phương thức tuyển sinh như các năm trước, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT; Xét tuyển kết hợp theo quy định của Trường; Xét tuyển dựa trên kết quả của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ GD&ĐT, tất cả các phương thức và tổ hợp xét tuyển vào các ngành đào tạo của trường sẽ sử dụng một thang điểm chung là thang điểm 40, theo đó điểm môn Ngoại ngữ sẽ được nhân đôi.

Đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ngoài các tổ hợp xét tuyển quen thuộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán, Vật lý, tiếng Anh, năm nay trường bổ sung tổ hợp Toán, Tin học, tiếng Anh đối với ngành Công nghệ Thông tin.

Bên cạnh đó, tổ hợp D04 (Toán, Ngữ văn, tiếng Trung Quốc) được áp dụng cho việc xét tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc và Ngôn ngữ Bồ Đào Nha, ngoài xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc như các năm trước đây.

Đánh giá về quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển ông Dũng cho hay: "Việc Bộ GD&ĐT quy định cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh phải quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển là một chủ trương hợp lý.

Trường Đại học Hà Nội sẽ sử dụng một thang điểm chung là thang điểm 40 cho ngưỡng đầu vào và tất cả các phương thức và tổ hợp xét tuyển với việc điểm môn ngoại ngữ sẽ được nhân đôi".

TS.Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội.

Trường đã xây dựng công thức quy đổi hợp lý, khoa học để đảm bảo sự công bằng cho thí sinh ứng tuyển vào trường theo các phương thức tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển.

Về căn cứ để quy đổi, TS. Nguyễn Thị Đông - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Học viện Chính sách và Phát triển cho biết: "Học viện sẽ căn cứ vào dữ liệu thí sinh đăng ký vào học viện 2 năm trở lại đây, cũng như điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay để đưa ra thang điểm chính thức".

Dự kiến nhà trường này sẽ sử dụng thang điểm thi tốt nghiệp THPT là thang điểm chính, các phương thức khác sẽ được quy đổi về thang điểm này.

Năm nay Học viện Chính sách và Phát triển ổn định phương thức tuyển sinh, bao gồm các phương thức: xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường

Vì tất cả các phương thức xét tuyển được quy đổi về một thang điểm chung nên năm nay nhà này trường không công bố chỉ tiêu của từng phương thức. Thí sinh sẽ được sàng lọc ở nhiều phương thức khác nhau, nếu điều kiện. Tuy nhiên, các em sẽ chỉ trúng tuyển một phương thức có điểm quy đổi cao nhất.

Bộ GD&ĐT cho biết để bảo đảm cho thí sinh có đầy đủ thông tin trong quá trình đăng ký xét tuyển, Quy chế quy định quy tắc quy đổi tương đương phải được công bố công khai muộn nhất cùng thời gian công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Thí sinh không cần chọn mã phương thức, mã tổ hợp… chỉ cần xác định rõ chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo và cơ sở đào tạo mong muốn theo học để quyết định đăng ký. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng phương thức có kết quả cao nhất của thí sinh để xét tuyển.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP