- Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang dự thảo nghị định với nội dung thành lập một uỷ ban chuyên trách quản lý - giám sát vốn và tài sản Nhà nước. Khối tài sản này đang được định giá khoảng 130 tỷ USD tại 800 doanh nghiệp. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
- Đại hội XII của Đảng đã xác định dứt khoát phải xoá bỏ chế độ các bộ chủ quản doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay, định hướng thành lập một cơ quan để quản lý toàn bộ vốn và tài sản Nhà nước. Luật Quản lý vốn và tài sản Nhà nước cũng có quy định.
Việc thành lập cơ quan như vậy để thay thế sự quản lý của các bộ chuyên ngành hiện nay là một chủ trương đúng đắn, cần triển khai sớm trong nhiệm kỳ này. Tôi rất mừng là Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đưa ra phương án. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn, không nhất trí phương án thành lập một Uỷ ban hay Bộ chuyên quản doanh nghiệp, do đây vẫn chỉ là những cơ quan quản lý hành chính. Để cho một cơ quan hành chính quản lý vốn và tài sản Nhà nước là không phù hợp.
Hiện các doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ khối lượng vốn, tài sản khổng lồ. Ảnh: VIR
- Vậy ông có đề xuất nào khác?
- Tôi đề nghị thành lập ít nhất 2 tập đoàn tài chính của Nhà nước. Các tập đoàn này sẽ thực hiện vai trò tập hợp vốn, quản lý vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp. Họ sẽ hoạt động như các công ty tài chính trong việc đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và cũng như khối doanh nghiệp cổ phần.
Tôi nhấn mạnh là phải có 2-3 tập đoàn như vậy. Khi có nhiều đơn vị sẽ tạo cơ chế cạnh tranh, vì vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp là rất lớn, một cơ quan đứng ra làm thì không được. Nếu chỉ thành lập một tập đoàn đầu tư vốn Nhà nước thì vẫn cảnh “một mình một chợ”, hiệu quả tù mù không ai biết thế nào. Việc chỉ tập trung vào một đầu mối vô tình sẽ tạo ra một “siêu” cơ quan với quyền lực quá lớn thì không nên.
- Đề xuất của ông có ưu điểm gì hơn mô hình thành lập một uỷ ban chuyên quản?
- Thành lập được các tập đoàn quản lý vốn Nhà nước như vậy sẽ đảm bảo được quyền tự chủ của các doanh nghiệp. Họ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện nền kinh tế thị trường thì phải đảm bảo tính tự chủ, đảm bảo cạnh tranh. Ở đây, các tập đoàn tài chính nếu được thành lập thì sẽ hoạt động với tư cách nhà đầu tư, không phải cơ quan chủ quản, càng không phải cơ quan quản lý chuyên ngành. Như vậy sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động tự chủ hơn, hiệu quả hơn. Các tập đoàn đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về nguồn vốn chứ không phải là cơ quan cấp trên, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh hằng ngày của doanh nghiệp.
Như chúng ta đã biết, hiện nay vốn, tài sản ở các doanh nghiệp Nhà nước là rất lớn. Nếu chỉ thành lập một cơ quan theo kiểu uỷ ban thì khả năng quản lý hạn chế. Mô hình tập đoàn tài chính là phù hợp. Mô hình này các nước cũng đã áp dụng, ví dụ Singapore có Temasek...
- Việt Nam hiện có Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Nay lại lập thêm các tập đoàn đầu tư tài chính nữa thì khả năng trùng lặp như thế nào?
- Nếu SCIC được nâng cấp lên thì cũng sẽ là mô hình tập đoàn đầu tư tài chính như tôi nói. Nhưng nếu chỉ một mình SCIC đảm trách việc “quản” vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thì sẽ lặp lại câu chuyện như nhiều năm qua.
SCIC là một tổ chức thuộc Bộ Tài chính, có thể sẽ hạn chế về vị thế trong việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong khi ở đây tôi đề xuất lập các tập đoàn đầu tư do Chính phủ trực tiếp quản lý. Tất nhiên Bộ Tài chính có vai trò tham mưu, giúp việc cho Chính phủ trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.
- Vậy các tập đoàn này sẽ chịu cơ chế giám sát như thế nào?
- Phải tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội. Các tập đoàn này sẽ phải có báo cáo trước Quốc hội hằng năm vì giữ một tài sản rất lớn của quốc gia. Phải đặt họ vào một “khung” điều hành, quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Nghĩa là mọi hoạt động phải công khai, minh bạch chịu sự giám sát của Quốc hội và được kiểm toán quốc tế.
Ở đây, vai trò của Bộ Tài chính cũng rất quan trọng. Bộ phải đóng vai trò là người hỗ trợ, giúp việc cho Thủ tướng trong việc phân công công việc quản lý tập đoàn này. Tóm lại, cơ quan quản lý vốn Nhà nước theo yêu cầu mà Đại hội Đảng XII đề ra phải là hình thức tổ chức tập đoàn tài chính, đầu tư vốn mới đủ sức điều hành, quản lý và không xảy ra tình trạng “uỷ ban toàn công chức quản lý”.
Tác giả bài viết: Võ Hải - Nguyễn Hoài