Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Đại học với tấm bằng xuất sắc, anh Nguyễn Hữu Tình (SN 1988, trú xóm Thành Minh, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) quyết tâm hoàn thành khóa học Thạc sĩ.
Trở thành Kỹ sư giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin, anh được nhận vào làm giảng viên của trường Cao đẳng Nghề số 8, Bộ Quốc phòng. Thời điểm đó, anh nghĩ bản thân sẽ gắn bó với máy móc, kỹ thuật và nghề đứng lớp suốt cuộc đời. Tuy nhiên, sau đó, anh quyết định chuyển hướng phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Hữu Tình (áo kẻ) giới thiệu cho cán bộ Tỉnh Đoàn Nghệ An, Huyện Đoàn Quỳnh Lưu về công dụng của nhung hươu. |
Tạm gác lại nghề giáo, anh mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Thực tế đó khiến anh rất trăn trở và quyết định về mảnh đất Quỳnh Lưu, nơi anh sinh ra để làm lại từ đầu. “Nhà tôi vốn có truyền thống nuôi hươu hàng chục năm nay, chủ yếu là nuôi hươu để lấy nhung. Với mong muốn tiếp nối nghề nuôi hươu của gia đình, năm 2018, tôi quyết tâm về quê khởi nghiệp…”, anh Tình trải lòng.
Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, chàng trai 8x cho biết đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Dù nuôi hươu là nghề truyền thống nhưng người dân tại địa phương chủ yếu bán nhung hươu tươi mà không nghĩ tới việc sẽ chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao về sức khỏe và kinh tế bán ra thị trường. Cùng với đó, bán nhung dưới dạng thô sẽ rất khó trong quá trình bảo quản, vận chuyển. Vì vậy, anh đã nhen nhóm ý tưởng tìm một hướng đi mới để nâng tầm sản phẩm nhung hươu.
“Mọi thứ quá mới mẻ, từ việc vận hành máy, thiết kế bao bì, quy trình sản xuất, tiếp cận thị trường. Tôi đã mất hơn 4 năm tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm, mua máy móc, dồn hết vốn liếng tích góp tập trung sản xuất. Khởi nghiệp vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đã khiến việc đưa sản phẩm ra thị trường gặp nhiều trở ngại”, anh chia sẻ.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, quyết tâm của tuổi trẻ, anh đã tìm được phương án tối ưu nhất để áp dụng vào việc sản xuất, chế biến nhung hươu trở thành thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường.
Quả ngọt trên quê hương
Tháng 10/2021 là một dấu mốc quan trọng của Nguyễn Hữu Tình khi cơ sở sản xuất Nhung hươu Bảo Long của anh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Các sản phẩm được cấp phép gồm bột, rượu, cao nhung hươu, mật ong ngâm nhung hươu và nhung hươu thái lát.
Toàn bộ sản phẩm đều sử dụng 100% nguyên liệu của quê hương. Hiện, ngoài mở rộng quy mô nuôi hươu tại gia đình, anh còn ký các hợp đồng thu mua sản phẩm nhung hươu cho bà con, tư vấn kỹ thuật giúp người chăn nuôi tăng đàn, đảm bảo chất lượng.
Anh Tình cho biết, trong năm 2022, doanh thu ước đạt 11 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. |
“Nếu như trước đây, với nhung hươu tươi, người dân chỉ bán được giá 9 - 10 triệu đồng/kg thì giờ đây, khi được thu mua giá nhung đã lên khoảng 11 - 13 triệu đồng/kg. Trong năm 2022, doanh thu ước đạt 11 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng”, ông chủ 8x cho hay.
Chia sẻ về những dự định tương lai, anh Tình cho biết, ngoài tập trung chế biến sâu và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở cũng đang tăng cường kết nối, nỗ lực đưa sản phẩm nhung hươu “made in Quỳnh Lưu” vươn ra thị trường, từng bước tạo ra chuỗi liên kết giá trị cao trong thu mua, chế biến và tiêu thụ. Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn tạo đà cho người dân yên tâm phát triển đàn hươu. Anh cũng đang quyết tâm xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP để nâng tầm giá trị nhung hươu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Hồ Đình Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Bảng chia sẻ: “Cơ sở sản xuất nhung hươu Bảo Long của anh Nguyễn Hữu Tình là điển hình về chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu, làm gia tăng giá trị cho sản phẩm truyền thống của địa phương. Từ cách đầu tư và quảng bá sản phẩm có lộ trình và cách làm bài bản, triển khai hợp lý, anh là người đầu tiên chế biến thành công các sản phẩm từ nhung hươu tại địa phương”.
Tác giả: Thu Hiền - Quang Huy
Nguồn tin: Báo Tiền Phong