Pháp luật

Nước mắt người mẹ tại phiên tòa xử nhóm 'quái xế' tông chết cô gái dừng đèn đỏ

Từ khi con gái qua đời sau cú tông của các quái xế, bà Phượng thường xuyên phải dùng thuốc chống co thắt phế quản. Còn chồng bà lao vào công việc chỉ để "cố quên đi cảm giác đau đớn", nhưng đêm về vợ chồng lại ôm nhau khóc.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử nhóm quái xế - Ảnh: HỒNG QUANG

Từ sáng sớm 22-4, hàng chục người đã chen chân trước trụ sở Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chờ nhìn tận mặt nhóm quái xế bị đưa ra xét xử tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" và "gây rối trật tự công cộng".

Vừa bước xuống xe tù, các thanh thiếu niên nhanh chóng đi vào phía trong dưới sự hướng dẫn của cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Hai bên rào, nhiều người ánh mắt không rời để kiếm người thân.

Bà Phượng (mẹ của cô gái bị tông tử vong) đến tòa cùng con gái cả và vài người họ hàng. Suốt phiên xử, gương mặt bà đẫm nước mắt khi nghe các bị can thuật lại quá trình xảy ra sự việc.

"Mong pháp luật xử lý nghiêm minh"

5 tháng sau sự ra đi đột ngột của con gái, bà Phượng gầy rộc, đôi mắt đỏ hoe.

Chứng kiến buổi xét xử nhóm thanh thiếu niên đua xe, gây tai nạn cướp đi mạng sống của con gái, bà không kìm được nước mắt, được người thân dìu sang một căn phòng khác. Người phụ nữ 50 tuổi tay nắm chặt lọ thuốc, sau mỗi lời khai của các bị cáo, bà lại khóc nấc lên.

"Từ khi con qua đời, tôi thường xuyên dùng thuốc chống co thắt phế quản", bà nói trong cơn nấc, cho biết thêm từ ngày ấy, chồng bà đã lao vào công việc chỉ để "cố quên đi cảm giác đau đớn, nhưng đêm về vợ chồng lại ôm nhau khóc".

Nếu không có vụ việc, giờ đây con bà có một đám cưới hạnh phúc. Buổi tối định mệnh đó, gia đình bạn trai Q. đến nhà bà để bàn chuyện tương lai cho đôi trẻ. Tiễn khách ra về, Q. xin phép mẹ đi chơi với bạn một lúc.

Chỉ vài giờ sau đó, cô gái trở về nhà dưới hình hài nguội lạnh.

"Thỉnh thoảng người yêu Q. vẫn qua nhà thắp hương cho con bé. Hôm qua cậu ấy còn xin tôi được đến tòa dự", bà Phượng kể.

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: HỒNG QUANG

Còn Lan Hương (30 tuổi - chị ruột nạn nhân) quyết định chuyển hẳn về ở cùng cha mẹ kể từ ngày nỗi đau xảy đến, để họ có thêm điểm tựa.

Người chị ruột của nữ nạn nhân đã mang thai ở tuần thứ 32, nhưng sáng 22-4 cô vẫn tới phiên tòa xét xử nhóm quái xế.

Suốt phiên xét hỏi, Hương vỗ về mẹ nhưng nước mắt rơi không ngừng. Luôn phải có người túc trực chăm sóc cô do lo ngại ảnh hưởng sức khỏe.

"Mọi người ngăn cản, nhưng tôi vẫn tới, chỉ để nghe những bị cáo đã nói gì về hành vi với em mình", Hương nói.

Từ ngày về nhà mẹ đẻ, cô gái kể những câu chuyện cũ không còn được ai nhắc lại vì các thành viên "không ai dám chạm vào cảm xúc của ai". Được hỏi về mong muốn trong phiên xét xử, Hương mong muốn "pháp luật xử lý nghiêm minh", ngăn ngừa những nỗi đau không tái diễn.

"Mới tuần trước, mình đi cùng chồng bắt gặp một đoàn đua trên phố. Bụng mình thắt lại, vừa sợ, vừa nhớ những nỗi đau em mình từng chịu", cô nói.

Mẹ bị cáo xin tha thứ

Khi tòa cho phép, bà Phượng quay lại phòng xử án trình bày ý kiến. Người mẹ nạn nhân bật khóc nức nở, nói không thành tiếng.

"Chúng tôi biết bà đã phải nén nỗi đau rất lớn để tới đây", chủ tọa động viên bà.

"Tôi xin tòa xử đúng người đúng tội", bà Phượng phát biểu ngắn gọn giữa cơn nấc.

Tiếp đó, mẹ bị cáo Khang đáp lời: "Con dại cái mang, trước hết tôi xin lỗi gia đình, mong tha thứ cho mẹ con em". Với số tiền còn lại phải bồi thường, mẹ bị cáo Khang cho biết do hoàn cảnh khó khăn, gia đình bị cáo sẽ cố gắng xoay xở để khắc phục.

Tòa xét hỏi các bị cáo, Hồng Nhung cho rằng đã biết là phải có bằng lái, nhưng không đi thường xuyên nên vẫn lái xe. Chiếc xe máy này do bị cáo tự mua. Hôm đó, bị cáo chỉ định đi lượn phố và uống nước, không có ý định đua xe.

Nhung cũng cho biết không để ý đến các xe đi trên đường và không biết tốc độ của mình là bao nhiêu. "Bị cáo chỉ nhớ có bấm còi, có vượt đèn đỏ, có lạng lách xe".

"Không quan sát, không để ý người đi đường thì bị cáo có biết là nguy hiểm không?", câu hỏi khiến Nhung chỉ im lặng, cúi đầu.

Về khoảnh khắc tông vào nạn nhân, nữ bị cáo khai tiếp rằng chỉ biết là đã xảy ra va chạm, chứ không nhận thức được bản thân đã gây tai nạn chết người. Khi mở mắt ra, bị cáo thấy mình đang trong bệnh viện và lúc đó mới biết đã gây tai nạn chết người. Bị cáo rất hối hận, về bồi thường thì bị cáo không biết phải làm sao.

Trong khi đó, Nguyễn Tá Minh Khang khai nhận ngày hôm đó các bị cáo rủ nhau đi lượn phố, lượn vòng qua các phố, thấy đoàn đua phóng nhanh nên nhập vào đoàn. Bị cáo chở bị cáo Cường, không có giấy phép lái xe.

"Xe máy là xe của mẹ bị cáo", Khang khai, nói thêm rằng sau khi biết mình gây tai nạn và đâm vào một người phụ nữ, bị cáo đã bỏ chạy vì hoảng sợ.

Ăn học đầy đủ nhưng vẫn thành "quái xế" tông chết người

Hội đồng xét xử nhận định vụ việc có những bị cáo được ăn học đầy đủ, thậm chí đang học đại học, nhưng lại bất chấp pháp luật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khiến 1 người chết.

"Đây là sự việc hết sức đau xót. Có 2 bị cáo bị truy tố về 2 tội danh, rõ ràng là bài học đối với tất cả bị cáo, với gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em; trong việc giao xe cho con em khi chưa đủ điều kiện, gây hậu quả nghiêm trọng", thành viên hội đồng xét xử nói.

Sau khi thi hành xong bản án, tòa đề nghị các bị cáo trở thành người có ích cho xã hội, không tái phạm. Đặc biệt, các bậc phụ huynh có con em là bị cáo cần tăng cường quản lý, giáo dục con cái giúp họ hoàn lương.

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP