Nữ sinh này bị sốt và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm xác định mắc sốt xuất huyết Dengue, loại huyết thanh virus typs 1 và tử vong do Hội chứng sốc Dengue.
Ngay sau đó, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Y tế quận Đống Đa cùng với phường Trung Liệt đã tiến hành điều tra côn trùng, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; phun hóa chất; truyền thông bằng loa truyền thanh di động tại khu vực bệnh nhân thuê trọ.
Trong 4 ngày từ 18 đến 21/5, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng đã tổ chức phun hóa chất diện rộng và cùng với Trung tâm Y tế quận tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy quy mô toàn phường Trung Liệt.
Mặt khác, giám sát chặt chẽ tại khu vực ổ dịch để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tư vấn chăm sóc và điều trị, tránh xảy ra tử vong tại cộng đồng.
Theo báo cáo của trung tâm, hiện trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trên 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 190 xã, phường ở 26 quận, huyện (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016).
Trước đó, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thực tế tại khu ký túc xá của Trường Đại học Luật Hà Nội - nơi có 11 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phát hiện có ổ bọ gậy trong bể nước đã không sử dụng từ lâu trong một phòng ở của sinh viên.
Cán bộ y tế của nhà trường cho biết, trước đó đã tiến hành đổ dầu vào các bể nước này để diệt bọ gậy, ổ bọ gậy được phát hiện chính là phòng bị sót lại.
Ngành y tế tuyên truyền các gia đình không nên để các dụng cụ chứa nước vì đây là nơi để muỗi sinh sản và phát triển. Hiện nay, các dụng cụ chứa nước càng đa dạng trong các khu dân cư, từ lọ hoa, hòn non bộ, dụng cụ phế thải cho đến các khay, hộp trồng rau sạch, dụng cụ chứa nước để nuôi chim, gà, vịt… nên khó khăn trong việc diệt muỗi và lăng quăng.
Nguồn tin: Báo Infonet