Đăng ký khai sinh chậm 5 năm và ghi 2 năm sinh
Như Bảo vệ pháp luật đã thông tin: Cơ quan điều tra Công an TP Vinh, Nghệ An xác định, Trần Thị Thúy An (người bị Nguyễn Thanh Trung tố cáo cùng với 2 người khác có hành vi xâm hại con gái) sinh ngày 7/8/2003 ở Hậu Giang. Thời điểm trước khi xảy ra vụ việc, Nguyễn Thanh Trung đã có hành vi mua dâm nhiều lần đối với Trần Thị Thúy An. Thời điểm đó, Trần Thị Thúy An chưa đủ 16 tuổi. Theo đó, các cơ quan tố tụng của TP Vinh đã thực hiện Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thanh Trung, sinh năm 1993, trú tại phường Lê Mao, TP Vinh để điều tra về hành vi Mua dâm người dưới 18 tuổi.
Để làm rõ hơn nhân thân của Trần Thị Thúy An - “mắt xích” quan trọng của vụ việc, những ngày qua, nhóm PV Báo Bảo vệ pháp luật đã tìm về huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với cán bộ tư pháp xã Vĩnh Tường, Phòng Tư pháp huyện Vị Thủy và Công an huyện Vị Thủy, cho thấy: Giấy khai sinh của Trần Thị Thúy An là đăng ký quá hạn và có tới 2 năm sinh ghi ở những tài liệu khác nhau.
Cán bộ tư pháp xã Vĩnh Tường đang cung cấp sổ theo dõi hộ tịch đăng ký khai sinh |
Theo quy định của Chính phủ (Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005) quy định rõ tại Điều 14 “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em”. Và, tại Điều 15. Luật Hộ tịch hiện hành cũng quy định rõ: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”.
Qua tài liệu thu thập được, Giấy khai sinh bản sao số 280, Quyển số 02, đăng ký ngày 27/8/2008 mang tên Trần Thị Thúy An, sinh ngày 7/8/2003.
Tuy nhiên, qua tàng thư hộ khẩu và thông tin từ Công an huyện Vị Thủy cung cấp cho thấy:
Bản khai nhân khẩu mẫu (NK1) lập ngày 27/6/2007 lưu Trần Ngọc Út (cha của An – PV), sinh năm 1970, có phần khai con là Trần Thị Thúy An, sinh năm 2002.
Và, tại tàng thư hộ khẩu lưu bản khai nhân khẩu mẫu (NK1) lập ngày 27/6/2007 lưu Nguyễn Thu Ba (mẹ của An-PV), sinh năm 1968, có phần khai con là Trần Thị Thúy An, sinh năm 2002.
Như vậy là, Trần Thị Thúy An đăng ký khai sinh chậm tới 5 năm, vi phạm quy định của pháp luật về hộ tịch. Và, thể hiện năm sinh khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Trong đó, An được cha và mẹ khai nhân khẩu năm 2007 ghi rõ Trần Thị Thúy An, sinh năm 2002, có ký tên xác nhận và cán bộ hướng dẫn là Nguyễn Văn Hậu, ký tên đóng dấu. Nhưng, hơn một năm sau đó, năm 2008 lại được cấp Giấy khai sinh, ghi ngày 7/8/2003, do Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Chính ký.
Sổ lưu đăng ký hộ tịch của chị Trần Thị Thúy An |
Nhiều dấu hỏi xung quanh vụ việc nghiêm trọng
Như trên đã nêu, Trần Thị Thúy An (cháu B.T gọi là “dì An) - “mắt xích” quan trọng của vụ việc mang tính chất nghiêm trọng này, với nhân thân chưa thống nhất, rất cần được xác minh làm rõ. Lời tố cáo của Nguyễn Thanh Trung có nhiều uẩn khúc cũng cần được đối chất, cần có sự kiểm sát chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật.
Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật cùng với cán bộ Kiểm sát địa phương gặp gỡ với bố mẹ chị Trần Thị Thúy An |
Hàng loạt câu hỏi của dư luận đang nêu rất cần được các cơ quan tố tụng của TP Vinh, Nghệ An giải đáp. Trong đó, Trung và An có quan hệ tình cảm là có thật. Khi PV Bảo vệ pháp luật gặp gỡ gia đình An cũng được bố, mẹ An nhắc tới Trung và có nói là ngăn cản mối quan hệ này. Nhưng, với công việc massage (An làm nhân viên massage khách sạn Lam Giang) An còn quan hệ với ai? Có khách VIP nào thường lui tới chỗ An? Vì sao phải vội vã bắt Nguyễn Thanh Trung khi cháu bé đang đau đớn nằm viện? Thủ tục bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp như thế nào, hậu quả pháp lý ra sao?...
Hiện nay, các cơ quan tố tụng của TP Vinh, Nghệ An vẫn đang trong quá trình điều tra xác minh và sẽ có buổi họp báo thông tin về các vấn đề liên quan.
Trong một diễn biến khác, ngày hôm qua, PV Báo Bảo vệ pháp luật tới thăm và động viên cháu bé B.T, nhưng tới nơi, Bệnh viện thông báo cháu bé đã ra viện. Cho đến sáng nay (21/8), Phóng viên cố gắng liên lạc với người thân của cháu bé B.T, nhưng bất thành. Hình ảnh run bần bật, tiếng khóc của cháu bé 6 tuổi khi bác sĩ thăm khám, vẫn là nỗi ám ảnh khiến những người làm Báo Bảo vệ pháp luật tiếp tục “vào cuộc”, không thể buông xuôi.
Những ngày qua, Báo Bảo vệ pháp luật nhận được sự quan tâm và sự cổ vũ động viên rất lớn của bạn đọc trong và ngoài nước. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và mong muốn bạn đọc hãy bình tĩnh, không nên có lời nói, việc làm xúc phạm tới hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng TP Vinh, Nghệ An; xin hãy tin tưởng vào tính nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự giám sát của các cơ quan dân cử (Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tố quốc), các tầng lớp nhân dân và các cơ quan báo chí.
Đối với những vụ việc phức tạp, nhạy cảm được dư luận quan tâm sẽ có sự theo dõi của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương và các ban, ngành hữu quan. Trong đó, riêng đối với ngành Kiểm sát nhân dân, trong Chỉ thị công tác đầu năm 2019 của toàn ngành, Viện trưởng VKSND tối cao đã nhấn mạnh: “Viện kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án để kịp thời khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh những vụ án dư luận xã hội quan tâm, nhất là tội phạm về môi trường, tội phạm công nghệ cao, tội phạm hoạt động theo kiểu băng, nhóm, tội phạm hoạt động tín dụng đen và tội phạm xâm hại trẻ em.
Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp phải quản lý chặt chẽ, đánh giá từng vụ án, bị can đình chỉ điều tra do không phạm tội, đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự; yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh, bảo đảm các vụ án tạm đình chỉ điều tra phải được xử lý ngay khi có đủ căn cứ, không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp phải chủ động kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ án có dấu hiệu oan, sai”.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Bảo vệ pháp luật