Huyện Trà Cú là vùng trồng mía nguyên liệu của tỉnh Trà Vinh. Những năm trước, diện tích trồng mía lên đến 4.000ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho khoảng 5.000 hộ dân. Nhiều vụ liên tục thua lỗ nên diện tích trồng mía của địa phương chỉ còn hơn 1.200ha. Niên vụ 2023-2024, Công ty Mía đường Trà Vinh ký kết hợp đồng đầu tư vốn và vật tư đầu vào với tổng diện tích khoảng 1.000ha. Công ty cũng triển khai nhiều chính sách đầu tư và bao tiêu sản phẩm tại ruộng, như: hỗ trợ không hoàn lại, thu mua, vận chuyển mía, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu.
Công ty chịu chi phí vận chuyển mía nguyên liệu từ ruộng về nhà máy để giảm bớt chi phí nhằm tăng lợi nhuận cho nông dân. |
Ông Phan Thanh Thảo, cán bộ nông nghiệp xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú) cho biết, niên vụ 2023-2024, địa phương có gần 600 hộ trồng mía trên tổng diện tích 524 hecta, với năng suất bình quân đạt trên 110 tấn/ha. Với giá thu mua mía nguyên liệu hiện tại, nông dân đạt lợi nhuận từ 50-70 triệu đồng/ha.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), trước đây địa phương có khoảng 8.500ha trồng mía nhưng giá mía giảm sâu nên nông dân chuyển một phần diện tích sang trồng cây ăn trái hoặc rau màu. Diện tích mía còn lại của địa phương vào khoảng 2.700ha và đã được Công ty CP Mía đường Sóc Trăng bao tiêu trên 1.500ha.
Ngay từ đầu vụ, công ty đã đầu tư vốn không lãi suất để nông dân mua phân bón, giống, công chăm sóc, cải tạo đất, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 12 tổ hợp tác và hợp tác xã trồng mía với diện tích gần 1.000ha. Với năng suất đạt trung bình khoảng 100-110 tấn/ha và chính sách của công ty, nông dân trồng mía có lãi từ 40-60 triệu đồng/ha. Ông Lê Anh Dương, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Trà Vinh cho biết, ngoài việc ký hợp đồng bao tiêu, công ty còn có nhiều chính sách để nông dân an tâm sản xuất.
Tác giả: Văn Vĩnh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân