Tận dụng địa hình đồi núi, những năm qua, nhiều hộ dân ở xã Hưng Yên Nam - Hưng Nguyên đã phát triển chăn nuôi trâu bò. Hiện nay, đàn trâu bò của xã đạt khoảng 3.000 con. Nghề chăn nuôi bò đã đưa lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho nhiều hộ gia đình như hộ ông Phan Bùi Nhì, Đậu Xuân Trình, Nguyễn Văn Hiền... ở xóm 10 (mỗi hộ có từ 10-30 con bò).
Giá bò giảm, nhiều hộ chăn nuôi không còn mặn mà với việc nuôi bò nữa, thậm chí có một số hộ gọi khách bán không được đành giết thịt bán ngay trong làng. “Gia đình tôi nuôi 1 con bò mẹ, mỗi sinh được 1 con bê, mấy năm trước bê nuôi khoảng 5 tháng bán được 14-16 triệu đồng, năm nay giá lợn xuống thấm nên bê cũng chỉ bán được 7 triệu đồng. Lâu nay Tết chúng tôi mới được ăn thịt bò, me nhưng nay thịt bò, me bán trong thôn chỉ bán với giá 160.000 đồng/kg", chị Hồ Thị Thanh ở khối 6 thị trấn Hưng Nguyên cho biết.
Huyện Hưng Nguyên có tổng đàn trâu bò hơn 22.500 con, trong đó đàn bò hơn 16 nghìn con, tỷ lệ bò lai sin chiếm trên 60%. Thực tế chăn nuôi trâu bò đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.
Những năm trước, một con bò mẹ sinh sản mỗi năm cho 1 con bê, nuôi 3-5 tháng có thể bán được từ 13 -15 triệu đồng, tính ra mỗi tháng được hơn 1 triệu đồng. Nuôi bò, đầu tư thức ăn không lớn, chủ yếu là công chăn dắt, mùa đông bổ sung một ít thức ăn tinh để tăng cường sức đề kháng, còn lại chủ yếu ăn cỏ, rơm và các phụ phẩm nông nghiệp. Những hộ nuôi từ 5-7 con bò mẹ sinh sản mỗi năm cũng lãi 50-80 triệu đồng.
Tình trạng giá bò giảm mạnh không chỉ ở Hưng Nguyên mà còn phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Theo những người chăn nuôi ở Tân Kỳ thì hiện giá bò mẹ sinh đã giảm từ 10-15 triệu mỗi con, giá bê cũng giảm từ 5-7 triệu đồng. Chăn nuôi là thế mạnh của nhiều địa phương nay nhà nào càng nuôi nhiều càng lỗ nặng.
Đặc điểm của trâu, bò là sinh sản chậm, mỗi năm chỉ đẻ 1 lứa, có con trên 1 năm mới được lứa. Mỗi lần sinh sản, trâu, bò nái chỉ đẻ được bình quân 1 con. Thức ăn của trâu bò chủ yếu là cỏ, rơm khô và các phụ phẩm nông nghiệp. Thời gian xuất bán rất chậm nên nguồn cung ra thị trường không quá lớn như lợn và các loại gia cầm.
Trên thực tế, hiện tại nguồn cung thịt trâu, bò trong nước chỉ đạt 78%, còn lại vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Theo chu kỳ càng về các tháng cuối năm giá thịt, đặc biệt là thịt trâu, bò sẽ tăng giá cao hơn.
Để không bị ảnh hưởng của cơn bão giá hiện nay, người chăn nuôi không nên bán tống, bán tháo trâu, bò mà mọi người cần bình tĩnh chăm sóc đàn bò để vật nuôi không bị dịch bệnh./.
Tác giả: Thanh Tâm
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Nguồn tin: Báo Nghệ An