Ngoài ra, theo tài liệu của Nhà Trắng, hội nghị còn nhằm khuyến khích các hãng dược, tổ chức thiện nguyện và phi chính phủ làm việc cùng nhau để hướng đến mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào thời điểm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc họp trở lại vào tháng 9-2022.
Các chuyên gia ước tính rằng cần đến 11 tỉ liều vắc-xin để đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu. Ngoài cam kết tặng hơn 600 triệu liều vắc-xin, Nhà Trắng đang thảo luận để mua thêm 500 triệu liều từ hãng Pfizer (Mỹ) để hỗ trợ các nước khác. Không dừng lại ở đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn có các bước đi nhằm mở rộng sản xuất vắc-xin trong nước, tại Ấn Độ và Nam Phi. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu xuất khẩu 700 triệu liều vào cuối năm nay.
Một cơ sở sản xuất vắc-xin Covid-19 tại TP Chuncheon, Hàn Quốc Ảnh: Reuters |
Dù vậy, những nỗ lực trên vẫn chưa giúp giảm bớt tình trạng bất bình đẳng về vắc-xin Covid-19 trên thế giới. Theo thống kê, chưa đến 10% dân số tại các nước nghèo được tiêm chủng đầy đủ trong lúc hàng triệu nhân viên y tế thế giới vẫn chưa được tiêm mũi nào. Trong khi đó, tổ chức ONE Campaign (Mỹ) ước tính rằng 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ dư thừa tổng cộng hơn 600 triệu liều vắc-xin vào cuối năm nay. Vì thế, nhiều chuyên gia đang kêu gọi một chiến lược toàn cầu được điều phối, theo đó vắc-xin được phân phối công bằng trên thế giới thay vì mỗi quốc gia đáp ứng nhu cầu của riêng mình.
Thực trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin, cộng với sự lây lan của biến thể Delta khiến rạn nứt ngày một tăng giữa các nước giàu và phần còn lại của thế giới. Tại hội nghị thượng đỉnh nói trên, hơn 100 nước thu nhập thấp mong EU và G7 đồng ý từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19 để chia sẻ với nhà sản xuất tại các nước đang phát triển. Các nước giàu cho đến giờ lập luận rằng chỉ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ thôi là không đủ vì phần lớn quốc gia đang phát triển thiếu công nghệ hoặc năng lực sản xuất vắc-xin.
Trước thềm hội nghị, Bộ Y tế Ấn Độ hôm 20-9 thông báo nối lại hoạt động xuất khẩu vắc-xin vào tháng tới trong một diễn biến hứa hẹn giúp cải thiện nguồn cung trên thế giới. Cùng ngày, các quan chức Mỹ và EU đã nhóm họp tại Washington để bàn về nỗ lực tiếp tục tăng sản lượng vắc-xin. Một động thái như thế càng thêm cần thiết trong bối cảnh một số nước bắt đầu đề xuất mũi thứ 3 ngay cả khi WHO kêu gọi hoãn đến tiêm liều tăng cường đến cuối năm nay hoặc sau đó để bảo đảm các nước tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số.
Tác giả: Hoàng Phương
Nguồn tin: Báo Người lao động