Bạn cần biết

Những thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn nhất

Thịt đỏ, gia cầm, trứng, hải sản hay các sản phẩm từ sữa là những loại thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc nếu không được chế biến, bảo quản cẩn thận.

Hàu sống là món ăn được nhiều người ưa chuộng nhưng có nguy cơ nhiễm khuẩn, gây ngộ độc cao. Ảnh: Freepik.

Nhiều loại thực phẩm quen thuộc có thể trở thành nguồn gây ngộ độc nếu bị nhiễm khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Việc rửa tay không kỹ, nhiễm chéo trong chế biến, bảo quản ở nhiệt độ không phù hợp hay thực phẩm tiếp xúc với chất thải động vật đều có thể khiến chúng trở nên nguy hiểm.

Khi ăn phải những thực phẩm này mà chưa được làm sạch, nấu chín kỹ, bạn có nguy cơ gặp các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chuột rút và mệt mỏi.

- Thịt đỏ:

Thịt sống hoặc chưa được nấu chín kỹ là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn như Salmonella, E. coli và Listeria phát triển, theo Boldsky. Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, cần đảm bảo thịt được nấu chín hoàn toàn. Ngoài ra, người tiêu dùng nên hạn chế ăn các món chứa thịt được chế biến bên ngoài do khó kiểm soát điều kiện vệ sinh và cách chế biến.

- Trứng:

Trứng có thể nhiễm khuẩn nếu gà mái mang mầm bệnh, đặc biệt là vi khuẩn Salmonella từ mô buồng trứng. Khi mua trứng, cần kiểm tra kỹ bề mặt vỏ, tránh chọn trứng có vết nứt. Ngoài ra, không nên sử dụng trứng đã quá hạn hoặc các món ăn có chứa trứng sống, trứng chưa được nấu chín kỹ.

- Các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng:

Theo AARP, sản phẩm sữa chưa tiệt trùng có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn Listeria, Salmonella và E. coli. Quá trình tiệt trùng giúp loại bỏ những loại vi khuẩn gây bệnh này. Hãy đảm bảo tìm kiếm sữa và các sản phẩm từ sữa có ghi "tiệt trùng" trên nhãn. Nếu nghi ngờ, không nên mua.

- Thịt gia cầm

Gia cầm sống hoặc chưa nấu chín như gà, vịt, gà tây là nguồn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Nguyên nhân chính là do vi khuẩn Campylobacter và Salmonella - thường tồn tại trong ruột và lông gia cầm - có thể lây nhiễm vào thịt trong quá trình giết mổ.

Chúng chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ nấu cao. Để hạn chế rủi ro, cần nấu chín hoàn toàn thịt gia cầm, tránh rửa thịt sống và không để thịt sống tiếp xúc với dụng cụ bếp hoặc thực phẩm khác nhằm ngăn ngừa nhiễm chéo.

Thịt gia cầm dễ bị nhiễm khuẩn nên cần được nấu chín ở nhiệt độ cao. Ảnh: Aldelis.

- Hải sản và động vật có vỏ sống:

Hải sản sống hoặc nấu chưa chín, đặc biệt là động vật có vỏ như hàu, có thể nhiễm khuẩn Vibrio - gây ra bệnh vibriosis - và virus như norovirus.

Những tác nhân này dễ gây tiêu chảy, buồn nôn và mệt mỏi, đặc biệt nguy hiểm với người trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền như bệnh gan. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu, dẫn đến nhiễm trùng huyết và phải nhập viện.

- Cơm nguội:

Cơm để nguội ở nhiệt độ phòng có thể bị nhiễm vi khuẩn Bacillus cereus - tác nhân gây buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Loại vi khuẩn này có thể phát triển mạnh trong cơm đã nấu chín nếu không được bảo quản lạnh kịp thời. Vì vậy, cần bảo quản cơm thừa trong tủ lạnh và hâm nóng kỹ trước khi sử dụng.

Tác giả: Mai Phương

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP