Bà La Thi Hoa bên căn nhà rách nát của mình |
Những túp lều rách nát
Cụm dân cư Khe Nóng chỉ cách QL7, cũng là trung tâm xã Châu Khê chỉ 30km. Thế nhưng, trước khi có chuyến đi vào đây, tôi được một đồng nghiệp ở báo Nghệ An cảnh báo: "Muốn vào Khe Nóng phải xem thời tiết trước bởi đường đi rất hiểm trở. Mùa này có những cơn mưa rào bất chợt, có thể vào nhưng không ra được".
Xuyên qua những cánh rừng già, con đường từ trung tâm xã Châu Khê vào Khe Nóng đất đá lởm chởm và phải vượt qua 4 con suối. Sau hơn một giờ đồng hồ "đánh vật" trên cung đường hiểm trở, cụm bản Khe Nóng cũng hiện ra trước mắt.
Vẫn biết vùng sâu, vùng xa thường đồng nghĩa với đói nghèo, thiếu thốn nhưng nghèo đến mức như Khe Nóng thật khiến người khác xót xa. Rất nhiều các gia đình ở đây đang phải sống trong những ngôi nhà tranh, vách nứa, trống hoác tứ bề.
Gọi là nhà cũng có phần khiên cưỡng bởi chỉ có mấy cái cọc dựng lên, phía trên lợp tranh, xung quanh che tạm mấy tấm phên nứa, gió thổi thông thốc tứ phía, mưa dột khắp nhà. Nhà của gia đình bà La Thi Hoa là một trong số đó.
Phía bên trong nhà bà Hoa |
Bà Hoa chẳng biết năm nay mình bao nhiêu tuổi nhưng bà nhớ mình sinh năm 1973. Chồng bà Hoa mất từ lâu. Bà sinh được 5 người con nhưng chỉ nuôi được 3. Con gái lớn hiện lấy chồng bên Trung Quốc, bà Hoa ở với 2 người con trai, trong đó có 1 cậu con trai út câm điếc bẩm sinh.
Hôm chúng tôi đến thăm, chỉ có mình bà Hoa ở nhà, con trai đang đi vác keo thuê. Nhà bà Hoa nghèo đến mức tài sản duy nhất trong nhà chỉ là 2 chiếc nồi để nấu ăn, chiếc mâm nhôm móp méo và mấy bộ đồ cũ. Ở mỗi góc nhà, bà Hoa kê thành 2 chiếc giường, một cho mình, một cho các con.
Vì nhà chỉ được che đậy tạm bợ nên bà Hoa bảo, mỗi khi trời mưa to, trong nhà cũng ướt như ngoài trời. "Có hôm trời mưa tôi phải chui vào góc nhà, có khi chui cả xuống gầm giường để ngủ. Vào mùa đông rét quá không ngủ được thì nhóm lửa ngồi", bà Hoa chia sẻ.
Nhà chị Phương cũng vô cùng khốn khó |
Cách nhà bà Hoa chỉ mấy bước chân, một hoàn cảnh khác cũng bi đát không kém là gia đình chị Hồ Thị Phương. Chị Phương vốn là người ở Đức Hiệp - Quảng Nam lấy chồng về Khe Nóng. Chồng chị Phương - anh La Văn Dương từng có nhiều năm đi làm thuê ở Quảng Nam. Tại đây, hai người gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ.
Vợ chồng chị Phương sinh được 2 người con, con lớn 4 tuổi, con nhỏ mới 9 tháng. Cuộc sống hiện tại trông cả vào đồng lương đi làm thuê của anh Dương. Ngoài 3 mẹ con chị Phương, anh Dương còn phải nuôi thêm người mẹ già.
"Tháng nào nhiều chồng gửi về 2 triệu, trung bình là tháng 1 triệu. Số tiền đó cả nhà phải tằn tiện để không bị đói đứt quãng. Có gạo ăn đã là tốt rồi, rau lên rừng hái, muốn cải thiện thì ra suối bắt tôm bắt tép, không có tiền mua thịt đâu", người phụ nữ gầy gò, nước da xám ngoét thật thà chia sẻ.
So với nhà bà Hoa, nhà chị Phương có phần tươm tất hơn nhưng cũng thủng trên, hở dưới. Theo chị Hoa, do chồng đi biền biệt trong khi chị chẳng biết lên rừng chặt nứa đan phên che chắn nên nhà vốn đã nát ngày một tả tơi hơn. Hôm nào trời mưa, chị Phương phải ẵm con tìm chỗ không dột để mẹ con ngồi.
Cả gia đình chị Phương trông cả vào người chồng đi làm thuê, làm mướn |
"Không có đất sản xuất, cả nhà chỉ có khoảnh ruộng nhỏ mỗi mùa thu hoạch được vài bao thóc. Tôi cũng muốn đi làm để cải thiện cuộc sống nhưng còn con nhỏ và cả mẹ già nữa chẳng biết gửi cho ai. Sống cảnh đói khổ thế này buồn lắm", chị Phương tâm sự.
Mảnh đất khắc nghiệt
Anh Lê Văn Thoại - Phó cụm Khe Nóng cho biết: Cụm có 50 hộ với 210 nhân khẩu, 100% là hộ nghèo. Hầu hết các gia đình ở Khe Nóng đều sống trong những mái tranh, vách nứa trống huơ, trống hoác. Cả cụm chỉ có một ngôi nhà được xây dựng kiên cố, đó chính là điểm trường tiểu học. Thế nhưng, điểm trường này cũng đã bị bỏ hoang từ gần 1 năm nay vì chính sách xóa điểm trưởng lẻ.
Khe Nóng chỉ có 50 hộ dân người Đan Lai, chưa đủ để thành lập bản, phải sáp nhập với bản Châu Sơn ở tận trung tâm xã nên nơi đây chỉ được gọi là cụm dân cư và chỉ có chức danh Phó cụm. Anh Thoại hiện là người được giao trọng trách đó.
Theo anh Thoại, khó khăn nhất của người dân Khe Nóng là người dân thiếu đất sản xuất. Mỗi hộ dân chỉ có được một khoảnh ruộng nước. Để người dân biết canh tác lúa nước cũng là cả một quá trình dày công của chính quyền xã và các chiến sĩ đồn biên phòng Châu Khê.
Khí hậu khắc nghiệt, đất sản xuất không có, sống tách biệt với thế giới bên ngoài nên người dân Đan Lai ở Khe Nóng vô cùng khó khăn |
Vị Phó bản cũng cho biết thêm, các hộ dân ở Khe Nóng trước đây định cư ở Khe Bu, sau đó lại di chuyển đến bản Cánh và từ năm 1992 mới đến Khe Nóng định cư ổn định ở đây. "Người dân vẫn chưa quen với việc làm nông nghiệp. Cuộc sống chủ yếu vẫn dựa vào rừng, khi đi lấy măng, khi lấy rau hoặc hoa chuối rừng để bán", anh Thoại chia sẻ.
Sống phụ thuộc vào rừng nhưng nhiều năm nay, rừng được kiểm soát nghiêm ngặt, cuộc sống của người dân Khe Nóng vốn đã khó càng khó hơn gấp bội. Những cánh rừng xung quanh nhà đều đã được giao cho Lâm trường Con Cuông quản lý nghiêm ngặt. Thói quen lên rừng săn bắt thú, chặt phá rừng người dân Khe Nóng cũng phải từ bỏ.
Không thể dựa vào rừng, nông nghiệp cũng gặp khó, người dân chuyển hướng sang chăn nuôi nhưng đây cũng là việc không hề dễ dàng. Anh Hồ Sĩ Nam - chiến sĩ đồn biên phòng Châu Khê cho biết, thời tiết ở Khe Nóng vô cùng khắc nghiệt. Giữa rừng già nhưng do giáp Lào nên mùa hè nắng cháy da, mùa đông lại rét cắt da cắt thịt.
Bao giờ người dân Khe Nóng thoát nghèo là câu hỏi chưa có lời đáp? |
Một "đặc sản" nổi tiếng ở Khe Nóng là ruồi vàng, bọ chó và mòng mòng (có nơi gọi là ruồi trâu) - những côn trùng hút máu đến mức ám ảnh người dân. Vào mùa hè, mỗi khi chiều xuống, ruồi vàng bay như vãi trấu. Thường xuyên bị côn trùng tấn công nên những con trâu, con bò ở Khe Nóng cũng trở nên bé nhỏ, còi cọc.
Anh Thoại cho biết, từng có một dự án tặng bò cho một số hộ dân khó khăn nhưng chỉ nuôi được một thời gian, số bò này không thể "trụ" được nên chết sạch. "Ở đây chỉ có bò ta bé nhỏ mới thích nghi được. Riêng trâu, chúng tôi phải để bên bờ suối để chúng ngâm mình dưới nước tránh côn trùng", anh Thoại cho biết.
Không chỉ tấn công vật nuôi, côn trùng tấn công cả con người, nhất là loài mòng mòng. Với cái vòi sắc nhọn, mòng mòng có thể xuyên thủng 2-3 lớp quần áo để hút máu. Mùa hè loại côn trùng này xuất hiện rất nhiều và trở thành nỗi khiếp đảm của người dân Khe Nóng...
Tác giả: Anh Quân
Nguồn tin: phunuvietnam.vn