Cuộc chiến đấu tới cùng này đã khiến phương Tây lo sợ và làm đảo lộn quốc gia 80 triệu dân này, vốn nằm tiếp giáp với các cuộc bạo động ở Iraq và Syria, và là một đồng minh của phương Tây chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Tổng thống Erdogan cáo buộc ông Gulen là chủ mưu cuộc đảo chính bất thành do một nhóm nhỏ trong quân đội thực hiện này và đã tập hợp được hơn 60.000 người trong một chiến dịch mà ông hy vọng sẽ “thanh lọc” Thổ Nhĩ Kỳ khỏi cái gọi là “virus ung thư” Gulen. Các cuộc thanh trừng này, được thực hiện trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với các cuộc tấn công của IS và cuộc xung đột trở lại với các tay súng người Kurd, truy bắt tới hơn 100 tướng lĩnh và 6.000 binh sĩ, và gần 3.000 thẩm phán. Chiến dịch thanh trừng cũng vây bắt 21.000 giáo viên và rất nhiều học giả, cũng như các mục tiêu mới trong giới truyền thông.
Hàng chục nghìn người ủng hộ đảng AKP cầm quyền và các đảng đối lập chính khác, vốn là các đối thủ của nhau, đã tập hợp để ủng hộ nền dân chủ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành.
Trên trang mạng IOL.co.za, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Nam Phi Kaan Esener chia sẻ: “Vào tối ngày 15.7, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua một cuộc đảo chính được dàn dựng bởi một nhóm trong lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cuối cùng đã thất bại. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhìn thấy một số cuộc đảo chính trong quá khứ. Mỗi khi quân đội lật đổ chính phủ, chúng tôi đã sống qua những ngày đen tối. Tuy nhiên, chúng tôi kiên trì như một quốc gia và sử dụng mọi biện pháp để ngăn cản sự nắm quyền của quân sự.
Kinh nghiệm trong quá khứ cho chúng tôi thấy, những gì xảy ra ngày 15.7 không phải là một cuộc đảo chính như thường thấy. Đây là một tổ chức tội phạm cố gắng để kiểm soát Nhà nước bằng tất cả các phương tiện cần thiết bao gồm cả việc sử dụng vũ lực gây chết người đối với công chúng”.
Theo ông Kaan Esener, điều quan trọng là phải làm rõ lý do tại sao cuộc đảo chính này lại khác với những cuộc đảo chính khác và tại sao các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ lại bị đắm chìm trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Điều này có thể được giải thích tốt nhất bằng cách mô tả những gì nằm đằng sau âm mưu lật đổ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổ chức dàn dựng âm mưu đảo chính là một nhóm tôn sùng cá nhân giáo sĩ lưu vong đang sống ở Mỹ là Fethullah Gulen. Ông này cũng được cho là người điều hành một mạng lưới bí mật xuyên quốc gia. Nhóm này nhằm mục đích để tích lũy sức mạnh và lật đổ chế độ dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Để hiện thực hóa mục tiêu bí mật này, họ sử dụng các sinh viên thông qua việc tuyển dụng vào làm việc trong các dịch vụ công cộng và tổ chức dân sự.
Trong vài thập kỷ gần đây, phong trào này đã có thể xâm nhập vào cơ quan nhà nước để giành quyền kiểm soát của cơ chế nhà nước, trước hết là quân đội, cảnh sát và tư pháp.
Nhóm này đã rộng rãi và liên tục sử dụng các thông tin thu thập được thông qua nghe trộm, đe dọa, và các mối đe dọa. Nạn nhân của họ là các chính trị gia, những nhà hành pháp, tư pháp và quân sự cũng như các nhà báo đối lập, đại diện của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các doanh nhân.
Nhóm này cũng có một mạng lưới rộng lớn tại các trường học trên khắp thế giới để thu hút tuyển dụng các đối tượng sinh viên. Nguồn tài chính của nhóm này đến từ các hoạt động rửa tiền.
Bệnh viện và các tổ chức phi lợi nhuận cũng được cho là góp phần ủng hộ nguồn tài chính cho nhóm này, ngoài ra công cụ phương tiện truyền thông được sử dụng để tôn vinh Gulen và quảng bá các hoạt động của nhóm trên toàn thế giới .
Hiện nay, tập đoàn này đang tiến hành một chiến dịch phỉ báng để bóp méo sự nỗ lực của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong bầu cử dân chủ.
“Cuộc đảo chính thất bại của ngày 15.7 cho thấy bộ mặt thật của Fethullah Gulen và tổ chức độc ác của ông ta. Những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó là một hành động khủng bố, giết chết hàng trăm người, làm bị thương hàng ngàn người”, Đại sứ Kaan Esener cho biết.
Các nỗ lực đảo chính đã được dàn dựng thông qua một mạng lưới các quan chức quân sự với những cấp bậc khác nhau được tuyển dụng bởi nhóm này. Ngoài ra, kế hoạch đảo chính cũng đã được hỗ trợ bởi các cá nhân phi quân sự và các nhóm khác có liên kết với ông Gulen.
Cuộc đảo chính ngày 15.7 đã thất bại nhưng âm mưu đảo chính vẫn chưa kết thúc ở Thổ Nhĩ Kỳ và đất nước này không chỉ phải đối mặt với những khủng hoảng của nền chính trị mà còn bị bóng ma khủng hoảng kinh tế ám ảnh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng hiệu suất kinh tế sụt giảm đáng kể, bao gồm cuộc suy thoái kinh tế, chưa chắc sẽ xảy ra và việc tránh khỏi các kịch bản tồi tệ này phụ thuộc phần lớn vào các lựa chọn của Tổng thống Erdogan và chính quyền của ông.
Tác giả bài viết: Thanh Minh
Nguồn tin: