Lớp học xoá mù chữ cho người lớn tuổi. |
Lớp học tiếng Anh “free”
Gần 2 tháng nay, cứ vào thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, các em học sinh ở khắp các làng bản của xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An) lại í ới nhau đến điểm trường bản Cửa Rào 1 của Trường Tiểu học Xá Lượng sinh hoạt hè lồng ghép học tiếng Anh miễn phí. Lớp học có khoảng trên 60 em, chủ yếu ở bậc tiểu học được mở để dạy miễn phí. Tại đây, các em học sinh được củng cố kiến thức, ôn tập và học thêm một số từ vựng qua bài hát bằng tiếng Anh và một số trò chơi. Qua đó, giúp các em nâng cao kiến thức ngoại ngữ.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Hoài, giáo viên Trường Tiểu học Xá Lượng, người được giao phụ trách hoạt động lớp học cho biết, vào dịp hè, khi các em nghỉ học cũng là lúc các gia đình lo lắng về việc vui chơi an toàn cho trẻ. Bởi vậy, khi chính quyền địa phương nhờ phụ trách hoạt động này, cô giáo Hoài đã nhận lời bởi đây là hoạt động rất bổ ích, vừa nâng cao kiến thức, vừa tạo cho các em một sân chơi lành mạnh tránh các rủi ro về tai nạn đuối nước.
“Do đó, khi lớp học mở ra, đã có hàng chục em đăng ký tham gia rất nhiệt tình, chúng tôi cố gắng trong khả năng của mình để giúp các em củng cố thêm kiến thức về ngoại ngữ” – cô giáo Hoài chia sẻ.
Theo bà bà Lô Thị Trà My - Chủ tịch UBND xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, xã Xá Lượng là địa phương có hệ thống sông, suối nhiều nên tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao. Từ thực tế đó, ngay từ đầu hè, lãnh đạo xã đã chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể cấp xã tổ chức nhiều hoạt động trong dịp hè để cho trẻ em có sân chơi lành mạnh, qua đó phòng tránh được tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước. Hoạt động này thu hút đông đảo các em học sinh tham gia và được phụ huynh đồng tình.
Lớp “xoá mù” cho người lớn
Na Ngoi là xã biên giới thuộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), với hơn 90% dân số là đồng bào người Mông. Do cuộc sống còn khó khăn, phải lo cái ăn, cái mặc nên trước đây một số người dân không được đi học đầy đủ. Trước thực trạng trên, đầu năm 2024, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Na Ngoi 2 mở lớp xóa mù chữ ở bản Huồi Xài và bản Pù Quặc 2 thuộc xã Na Ngoi. Ngày khai giảng, lớp học có 12 học viên nhưng đa phần là những người chưa biết chữ, có người từng học nhưng… đã quên.
Tham gia lớp học, có người đã ở tuổi làm ông, làm bà, nhưng lần đầu tiên mới biết đến mặt chữ. Họ đều mong được biết đọc, biết viết, biết tính toán. Ở cái tuổi đã lên chức ông, bà, vợ chồng bà Xồng Y Xồng (58 tuổi) trú tại bản Huồi Xài không quản ngại nhà xa, đều đặn ngày ngày tới lớp học. Bà Xồng không nghĩ đôi bàn tay chai sần, chỉ quen cầm cuốc, cầm rựa nay lại có cơ hội cầm bút viết từng nét chữ. Bà Xồng cho biết, vào ban ngày phải lên rẫy, buổi tối rọi đèn pin, dắt cháu lên điểm trường Huồi Xài để học chữ. Nhiều bữa đi làm về mệt quá không muốn đi học nữa. Nhưng thầy cô gọi điện động viên cố gắng học, biết chữ rồi mình mới tự làm được mọi việc, không cần nhờ ai nữa.
Là giáo viên đứng lớp đặc biệt từ những ngày đầu, thầy giáo Đặng Đình Châu cho biết, các học viên trong lớp phần nhiều là những cặp vợ chồng đã 35 - 40 tuổi nhưng mỗi khi đến lớp, các anh, chị học rất chăm chú, tiếp thu bài nhanh, mỗi buổi học được 2 - 3 chữ cái. Tuy nhiên, cũng có học viên phải vài ngày mới viết thạo một chữ. Thế nên, tùy vào khả năng tiếp thu của mỗi người, thầy Châu sẽ có cách kèm riêng. “Trước hết, mình phải dạy cho họ biết đọc, rồi mới bắt đầu tập viết. Khi đã thành thạo thì bắt đầu học tính toán. Đến nay, học viên đã biết đọc, biết viết và tính toán cơ bản” - thầy Châu chia sẻ.
Cách đó không xa, lớp học ở bản Pù Quặc 2, xã Na Ngoi có 11 học viên nữ. Các bà, các mẹ đều là lao động chính của gia đình, nên việc kêu gọi, duy trì sĩ số rất khó khăn. Do gia cảnh nghèo khó và người Mông quan niệm phụ nữ không cần phải học chữ nên chị Xồng Y Xìa (40 tuổi) trú ở bản Pù Quặc 2 chỉ học đến lớp 2 rồi giúp cha mẹ làm rẫy. Mọi thứ thay đổi nhanh chóng khi chị Xìa tham gia lớp học. Có con chữ, cuộc sống của chị Xìa cùng các chị em trong bản dần dần đổi thay. Từ người không biết tính toán, chị Xìa đã trở thành một “thương nhân” có tiếng của bản.
Ông Nguyễn Xuân An - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Na Ngoi 2 cho biết, tỉ lệ phụ nữ trung niên không biết chữ ở trong xã vẫn còn cao. Do vậy, trường đã mở 2 lớp xóa mù chữ cho bà con người Mông trên địa bàn. Nhưng vì lớn tuổi, nên phần lớn đều e dè, xấu hổ khi được vận động đi học xóa mù chữ. “Một kỳ học gồm 200 tiết, mỗi đêm 4 tiết. Học viên ôn tập 3 kỳ cơ bản biết chữ, đọc thành thạo và làm các phép tính cộng trừ nhân chia cơ bản, được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ. Nếu ai học hết 5 kỳ sẽ được Nhà nước trợ cấp 1,8 triệu đồng” - ông Nguyễn Xuân An cho biết.
Tác giả: Điền Bắc
Nguồn tin: daidoanket.vn