Thể thao

Những lần bán độ khiến bóng đá Việt Nam rúng động: Từ vụ án dùng tiền mua cúp của Nguyễn Hữu Thắng đến lứa U21 năm 2020

Rất nhiều lần trong lịch sử, những vụ án bán độ đã khiến bóng đá Việt Nam điêu đứng. Từ những tên tuổi lớn đến các cầu thủ trẻ, tất cả đều khiến NHM mất nhiều niềm tin.

1. Cú đá phản trắng trợn của Lã Xuân Thắng năm 1997

Trong trận đấu với An Giang, Lã Xuân Thắng của Công An Hà Nội đã có hành động khiến tất cả sửng sốt. Anh này nhận bóng từ quả ném biên rồi bất ngờ sút thẳng vào lưới đội nhà, để ấn định chiến thắng 4-3 cho An Giang.

Sau đó, Xuân Thắng thẳng thừng thừa nhận: "Tôi làm tôi chịu, nhưng có phải làm vì một mình tôi đâu?". Cơ quan điều tra vào cuộc và phát hiện Toàn “còi” (anh trai cựu thủ môn Công an Hà Nội Đỗ Thành Tôn) đứng sau vụ việc. Có rất nhiều người đã mất đến hàng tỷ đồng vì cú sút này.

2. Nghi án Nguyễn Hữu Thắng dùng tiền mua chức vô địch cho SLNA

Ở mùa giải 2000, Sông Lam Nghệ An đã giành chức vô địch quốc gia. Tuy nhiên, tất cả đều bị che phủ bởi bóng đen nghi án ông Nguyễn Hữu Thắng dùng tiền mua cúp. Năm đó, SLNA chỉ có thể lên ngôi nếu họ giành chiến thắng còn Sông Đà Nam Định thua Cảng Sài Gòn. Kịch bản đã diễn ra đúng như vậy.

HLV Hữu Thắng (trái) và HLV Thành Vinh bị nghi ngờ dùng tiền mua cúp.

Sau đó, cơ quan điều tra liên tục triệu tập ông Hữu Thắng cùng một số lãnh đạo khác của SLNA để điều tra về nghi vấn dùng 320 triệu đồng mua chức vô địch nhưng cuối cùng tất cả đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau này, Cựu Giám đốc Sở TDTT Nghệ An Nguyễn Hoàng Thụ đã thừa nhận: "Hữu Thắng là người dùng tiền bạc để dàn xếp tỷ số một số trận, giúp SLNA đăng quang mùa bóng 2000-2001", tuy nhiên, các giấy tờ đều rất sạch sẽ và không thể chứng minh nguồn tiền được sử dụng sai mục đích.

3. Vụ bán độ gây rúng động cả châu Á tại SEA Games 23

Có lẽ không cần nói quá nhiều về vụ việc nổi tiếng này. Trước khi diễn ra trận Việt Nam-Myanmar, một nhóm cầu thủ đã bàn với nhau rằng nếu đội thắng với cách biệt 1 bàn thì mỗi người sẽ được nhận vài chục triệu. Kết quả trận đấu là 1-0 nghiêng về Việt Nam.

Vụ này được Tòa án Nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25/1 và phúc thẩm ngày 20/4/2007. Tất cả các cầu thủ tham gia việc dàn xếp cá độ như Văn Quyến, Quốc Vượng, Châu Lê Phương Vĩnh đều phải nhận án tù hoặc tù treo, đồng thời cấm thi đấu vĩnh viễn. Nhiều năm sau, một vài người đã được phép trở lại sân cỏ nhưng không để lại nhiều dấu ấn. NHM Việt Nam bây giờ có lẽ vẫn cảm thấy tiếc nuối khi nhắc đến thế hệ đầy tài năng này.

Vụ bán độ nổi tiếng ở SEA Games 23.

4. Vụ bán độ khiến Vissai Ninh Bình tan rã

Sau vụ án tại SEA Games 23, năm 2014, thêm một lần nữa bóng đá Việt Nam lại khiến cả châu Á xôn xao khi các cầu thủ Ninh Bình bị buộc tội dàn xếp tỷ số trong trận đấu với Kelatan tại đấu trường AFC Cup. Khép lại vụ án, chủ mưu là cầu thủ Nguyễn Mạnh Dũng bị phạt 3 năm tù, các cầu thủ còn lại đều được nhận án treo, tất nhiên là kèm án cấm thi đấu.

5. 11 cầu thủ U21 bán độ tại giải vô địch U21 quốc gia

Cụ thể, VFF thông báo 11 cầu thủ bị kỷ luật do tổ chức và tham gia cá độ, đánh bạc liên quan đến trận đấu giữa U21 Vĩnh Long và U21 Đồng Tháp ngày 19/6/2019, thuộc vòng loại U21 QG. Huỳnh Văn Tiến là người nhận án phạt nặng nhất khi bị cấm hoạt động bóng đá 5 năm và nộp 5 triệu đồng.

10 cái tên còn lại phải nộp phạt 2,5 triệu đồng và cấm tham gia hoạt động bóng đá 6 tháng gồm: Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Anh Phát, Võ Minh Trọng, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài, Trần Công Minh. Trong số này, có 4 người từng được gọi lên đội tuyển U18, U19 Việt Nam, Trần Công Minh là cái tên được nhiều người biết đến nhất.

Sự việc này réo lên hồi chuông cảnh tỉnh khi nạn bán độ lại len lỏi vào đời sống bóng đá Việt, nghiêm trọng hơn khi nó ảnh hưởng đến các cầu thủ trẻ, những người được coi là tương lai của ĐTQG.

Các giải đấu trẻ gần đây có nhiều dấu hiệu tiêu cực.

Tác giả: GN

Nguồn tin: nhipsongviet.toquoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP