Trong tỉnh

Những khu chợ… “chết yểu”

Năm 2018, xã chúng tôi tổ chức "cưới" chợ linh đình lắm. Nhưng được đâu 4 ngày thì chợ tan luôn, người dân không vào họp nữa - Đó là tâm sự buồn của ông Hồ Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Không riêng gì ở xã Hưng Phúc, nhiều khu chợ khác cũng có “tuổi thọ” tương tự.

Chợ Hưng Đông được đầu tư trên 5,7 tỷ đồng, nhưng nhiều năm nay không một bóng người vào chợ

Chợ xây chưa xong đã… tan

Xã Nam Thái, huyện Nam Đàn được phê duyệt xây chợ từ năm 2013, với nguồn kinh phí lên đến 4 tỷ đồng, đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới. Địa điểm xây chợ rất thuận lợi, cạnh đường liên xã, cách Quốc lộ 46 chưa đầy 500 mét. Chợ xây chưa xong, nhà thầu đã ứng gần 2 tỷ đồng rồi bỏ dở công trình cho đến nay.

Theo ông Văn Bá Hòa, Chủ tịch UBND xã Nam Thái thì, một trong những nguyên nhân chợ không thành là do xã ít dân, chỉ có 4.200 người, lại ở không tập trung, trong lúc các xã giáp ranh với Nam Thái thì đã có chợ cả rồi. Để thu hút người đến chợ buôn bán là vô cùng khó khăn. Vì thế, chúng tôi đã đề nghị huyện bỏ chợ này. Riêng khoản tiền mà nhà thầu đã ứng, xã đang xin ý kiến của huyện để xử lí, vì chủ thầu cũng từ đó không quay lại nữa.

Năm 2009, UBND xã Tân Long (huyện Tân Kỳ) chủ trương đầu tư xây dựng chợ Tân Long, với kinh phí 1,1 tỷ đồng. Chợ này được xây dựng nhằm mục đích đón đầu dự án nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ với kỳ vọng mang lại sự đổi thay cho địa phương. Thế nhưng, sau khi chợ xây xong, dự án nhà máy xi măng không thực hiện được khiến khu chợ trở thành… “góa bụa”. Chợ không hoạt động, đình chính và các ki ốt bỏ không. Người dân địa phương thấy quá lãng phí, nên đã sử dụng đình chính để làm sân bóng chuyền từ nhiều năm qua.

Ba lần họp chợ không thành

Chợ Đồng Vàng, xã Hưng Phúc (huyện Hưng Nguyên) được xây dựng từ năm 2015 và hoàn thành năm 2018, với kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Những tưởng khu chợ mới khang trang này sẽ thu hút nhiều người đến bán mua, nhưng sau 3 năm khai trương, chợ vẫn không một bóng người. Đình chính của chợ rộng hàng trăm mét vuông bỏ hoang, người dân địa phương tận dụng để làm chỗ chứa lúa.

Một người dân đang phơi lúa trước sân chợ, tưởng chúng tôi đến khảo sát để thuê lại liền giới thiệu: “Chợ bỏ không mấy năm rồi, các chú thuê mà làm kho chứa hàng thì tốt vì ở đây rộng rãi”. 18 ki ốt hai bên đình chính của chợ đã được một số người thuê, nhưng không phải để buôn bán mà để ở tạm và làm chỗ chứa vật liệu xây dựng.

Chợ Đồng Vàng đã 3 lần họp chợ nhưng sau đó đều tan

Ông Hồ Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc, cho biết chợ khai trương vào năm 2018, nhưng chỉ “họp” được 4 ngày thì tan. Năm 2019, xã tiếp tục vận động các hộ tiểu thương khai trương lần nữa, lần này địa phương không những không thu phí chợ, mà còn hỗ trợ mỗi quầy hàng bán thịt bò 1 triệu đồng; quầy bán thịt lợn, gà 500 ngàn đồng; người bán rau củ quả 200 ngàn đồng.

Thế nhưng chỉ 3 ngày họp chợ thì lại vắng tanh, vắng ngắt. Không nản, năm 2020, xã Hưng Phúc tiếp tục cho họp chợ lần thứ 3, và lần này là chợ chiều. Nhưng cũng chỉ sau 2 buổi, chợ chiều lại ảm đạm và rơi vào cảnh… không người.

Theo ông Hồ Văn Đề, chợ Đồng Vàng tuy rộng rãi và thuận tiện, nhưng không cạnh tranh nổi với chợ cóc tự phát thuộc xã Hưng Thịnh. Và cách đó không xa là chợ Mý, thuộc xã Châu Nhân đã có từ lâu đời. Giải pháp hiện nay, là UBND huyện Hưng Nguyên yêu cầu xã Hưng Thịnh dẹp bỏ chợ cóc, nhưng đến nay vẫn chưa dẹp được. Vì thế mà chợ Đồng Vàng đẹp đẽ là thế vẫn cứ ế ẩm. Trong lúc đó, 1 tỷ đồng tiền nợ nhà thầu, xã chưa thể xoay xở đâu ra.

Ngay cả chợ Hưng Đông (TP. Vinh), xây xong đã 3 năm nhưng cũng chung số phận…vắng hoe. Chợ bao gồm 1 đình chính, 2 dãy ki ốt và các công trình phụ trợ khác trên diện tích 3.600 m2, với tổng mức đầu tư 5,7 tỷ đồng. Năm 2018, chợ được khai trương nhưng rồi lại cửa đóng then cài vì không có ai đến họp. Ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, buồn bã nói: “Mấy lần tổ chức cưới chợ rồi, giao cho mỗi đoàn thể một gian hàng để duy trì hoạt động, nhưng cứ xong khai trương là chợ cũng tan. Tuy các ki ốt xung quanh chợ đã có người mua, nhưng cũng không bán buôn gì được, vì chợ không hoạt động. Hi vọng sau khi quy hoạch khu dân cư phía sau chợ hoàn thiện, nhu cầu của người dân tăng lên thì chợ sẽ hoạt động trở lại”.

Tác giả: Việt Thắng – Y Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân tộc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP