Những tiết thao giảng chuyên đề của các hội đồng bộ môn hiện nay ở ngành giáo dục được xem là những tiết dạy mẫu mực để giáo viên học tập và rút kinh nghiệm cho giảng dạy cho mình.
Thường, những tiết thao giảng chuyên đề thì học sinh học tập cực kỳ nghiêm túc, hăng say phát biểu bài và không có em nào nói chuyện riêng. Đối với giáo viên thì chỉn chu từng câu nói, từng hành động, từng hoạt động giảng dạy của bài học cũng không có gì có thể chê được.
Kết luận lại, tiết học đó thành công ở mọi phương diện, cô vừa giỏi, vừa hiền và trò cũng rất thông minh và tích cực.
Nhưng, phía sau những tiết thao giảng đó là một sự chuẩn bị kỳ công của bao người và cũng còn nhiều băn khoăn.
Thao giảng = Chuẩn bị công phu + “loại” học sinh kém
Hàng năm, khi bước vào đầu năm học, các Hội đồng bộ môn cấp huyện họp để tổng kết hoạt động của năm học trước và triển khai phương hướng hoạt động của môn học trên toàn địa bàn.
Vì thế, thành phần tham dự buổi họp này là các tổ trưởng chuyên môn của các trường trong huyện.
Những chuyên đề thao giảng trong năm được tổ trưởng Hội đồng bộ môn thông qua và hướng dẫn các thành viên thảo luận, góp ý. Sau đó, phân công cho các trường thực hiện trong từng thời điểm cụ thể.
Thường, mỗi năm học, Hội đồng bộ môn thực hiện khoảng 4-5 tiết thao giảng chuyên đề khác nhau ở các đơn vị thuộc địa bàn của mình.
Trước khi chuyên đề được diễn ra, tổ trưởng của Hội đồng bộ môn, Ban giám hiệu trường, tổ trưởng, giáo viên trường sở tại phải lên kế hoạch khá chi tiết và thực hiện nhuần nhuyễn từng bước cụ thể. Ai là người đứng ra thực hiện tiết thao giảng, ai là người sẽ cùng xây dựng, cùng soạn giáo án.
Ngày dạy thử, các thành viên trong tổ, Ban giám hiệu và tổ trưởng hoặc tổ phó Hội đồng bộ môn vào dự để góp ý những hạn chế, sai sót nhỏ nhất nhằm hướng tới một tiết dạy chất lượng nhất.
Tới ngày thao giảng, Phòng Giáo dục gửi thông báo triệu tập thành phần tham dự tới các trường.
Những giáo viên được mời dự này thường là Phó hiệu trưởng chuyên môn, các tổ trưởng môn học, các giáo viên bộ môn của khối thực hiện thao giảng.
Vì thế, thành phần tham dự của các trường đổ về các trường thực hiện tiết thao giảng thường rất đông. Và, đây cũng là nguyên nhân để các trường “loại” bớt những học sinh yếu kém ở nhà hoặc cho ra ngoài sân chơi, nhường chỗ cho các giáo viên ngồi dự.
Đó cũng là cách để nâng cao chất lượng tiết dạy khi những học sinh còn lại phần nhiều là các em học được nên thường rất tích cực phát biểu xây dựng bài.
Những buổi “diễn sâu” ít hiệu quả
Đối với những giáo viên được phân công đi dự giờ, được dự những tiết như vậy vừa thán phục tiết dạy hay vừa có thể “học hỏi” được rất nhiều từ đơn vị thao giảng.
Không thán phục sao được, khi vào đến lớp học thấy học sinh lễ phép đồng loạt đứng lên chào và hô vang “Chúng em kính chào thầy cô ạ”. Rồi lớp học được bố trí bàn ghế gọn gàng, vệ sinh lớp học được quét dọn, lau chùi sạch sẽ.
Phía trên, máy chiếu được bố trí khá hiện đại, giáo viên chỉn chu từng lời nói, từng cử chỉ để giới thiệu với trò về lý do tiết thao giảng và thành phần tham dự của tiết học. Những loạt pháo tay đồng loạt vang lên, sau đó, lớp học lại trở về trang nghiêm đến lạ.
Để tạo tâm thế cho học trò, đầu tiên là giáo viên chiếu một số hình ảnh hoặc một bài hát để dẫn dắt học sinh bước vào bài mới rồi hỏi học sinh hôm nay học bài gì, các em đã chuẩn bị bài đầy đủ chưa? Từng tổ trưởng đứng lên báo cáo với giáo viên đứng lớp.
Tất cả khâu chuẩn bị đều trơn tru, đúng quy trình đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Giáo viên đi vào bài giảng, bằng một giọng ấm, ngọt, có nhấn nhá dẫn dắt học sinh vào bài.
Chao ôi, cô dạy hay đến vô cùng nên gần như học sinh nào cũng hiểu, vì thế, những cánh tay học sinh cứ thẳng cao mà giơ lên, những ánh mắt nhìn cô như mong chờ được cô gọi đến tên mình.
Hình như em nào cũng trả lời câu hỏi chính xác. Mỗi lần như vậy, giáo viên lại yêu cầu học sinh “Cho bạn một tràng pháo tay”.
Không khí lớp học sôi nổi hơn khi cô lại đưa ra phần thưởng cho các nhóm thảo luận có câu trả lời chính xác và nhanh nhất.
Cứ thế, các giáo viên ngồi dự cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn lên mà thán phục, xuýt xoa thầm... Một thành viên của trường, hoặc của Hội đồng bộ môn được phân công trước, trên tay luôn cầm chiếc máy quay phim ghi lại những khoảnh khắc xuất thần của cả thầy và trò để làm tư liệu, lại càng làm cho tiết học thêm trang trọng bội phần.
Hết tiết học, giáo viên cho học sinh ra về và mọi người bắt đầu đóng góp cho tiết thao giảng.
Điều dĩ nhiên là những tiết học như thế thì không có vị khách nào lại nỡ lòng buông lời chê bai, góp ý hạn chế cho đơn vị thực hiện.
Mọi người tấm tắc khen hay, xem đó là tiết học mẫu mực để học tập và rút kinh nghiệm cho bản thân mình.
Chuyên đề kết thúc và rõ ràng đó là một sự nỗ lực, thành công của người trực tiếp thực hiện và của Hội đồng bộ môn khi đem đến một tiết thao giảng chuyên đề được xem là thành công mĩ mãn.
Song, những tiết dạy chuyên đề như thế cho dù nhưng giáo viên đi dự giờ “học hỏi” được rất nhiều điều từ đơn vị bạn nhưng trong lòng không khỏi băn khoăn, trăn trở cho thực trạng của ngành.
Giá như, trong quá trình học mà có vài học sinh trả lời sai, có vài học sinh không giơ tay, có vài em nói chuyện...
Hay, giáo viên đứng lớp có thể có một vài chỗ vấp váp, sai sót thì biết đâu tiết thao giảng sẽ thật và thành công nhiều hơn. Bởi, đó là thực trạng chung để mọi người cùng tháo gỡ, cùng tìm ra giải pháp khắc phục. Đằng này, cái gì cũng trơn tru, mĩ mãn thành ra chẳng còn gì để… góp ý cho nhau nữa.
Một tiết thao giảng chuyên đề, không chỉ là sự đầu tư tiền bạc của đơn vị thực hiện mà còn có cả kinh phí của cấp trên cấp nữa. Nhất là mỗi tiết thao giảng chuyên đề như vậy phải triệu tập một lúc mấy chục giáo viên đến dự.
Thời gian, tiền của đầu tư đã đành mà dự những tiết được “diễn khá sâu” như vậy nó chẳng mang lại hiệu quả cho người dự giờ.
Điều đau xót nhất chính là thầy cô đang dạy cho học trò sự dối trá, hình thức và đẩy nhiều học sinh đến những tủi hờn không đáng có khi một số em không được ngồi trong lớp học như mọi ngày.
Tác giả: Nguyễn Đăng
Nguồn tin: Báo VietNamNet