Giáo dục

Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể!

Thực tế, có vị hiệu trưởng vì một lý do tế nhị không được bổ nhiệm lại khiến họ trở thành giáo viên thì mấy năm liền không có nổi một tiết dạy đạt loại tốt.

LTS: Theo thông tư của Bộ GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần, hiệu phó 4 tiết/tuần. Tuy nhiên, đa số các vị này đều cho rằng Thông tư của Bộ GD&ĐT đưa ra là rất khó thực hiện.

Đối với các khối trường tiểu học thì mỗi giáo viên chủ nhiệm một lớp và dạy tất cả các môn nên việc hiệu trưởng xen vào dạy vài tiết/ tuần là rất khó.


Đối với khối trường trung học cơ sở thì nhiều trường cho rằng, do có giáo viên dôi dư nhiều, trong khi đó ban giám hiệu lại quá bận rộn với những công việc như họp hành…

Hôm nay, trong bài viết này, cô giáo Đỗ Quyên chỉ ra lý do Ban giám hiệu cần phải đứng lớp thì mới có thể xây dựng nền giáo dục hiệu quả, toàn diện.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của cô.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD&ĐT lại quy định Ban giám hiệu của các bậc học phải dạy một số tiết nhất định trong tuần. Cụ thể Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.

Bởi Ban giám hiệu là người trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn của trường học, không thể xa rời thực tế giảng dạy.

thao giang
Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể! (Ảnh: hanoistar.edu.vn)

Có trực tiếp giảng dạy, những nhà quản lý mới hiểu được học sinh, nắm rõ lực học của các em, nắm chắc được chương trình và hiểu rõ những nỗi nhọc nhằn trong công việc giảng dạy của các thầy cô giáo.

Từ đó mới có được những chỉ đạo chuyên môn một cách sát sao, đúng hướng, tránh tình trạng Ban giám hiệu ngồi một chỗ để chỉ đạo trên mây, trên gió.

Nhưng thực tế hiện nay, nhiều Ban giám hiệu thường cố tình “quên” nhiệm vụ thiêng liêng này và tìm đủ mọi cách để hợp thức hóa việc trực tiếp đứng lớp của mình.

Chẳng hạn lấy giờ chào cờ để giảng bài như hiệu trưởng một trường học ở Gia Lai đã làm trong thời gian vừa qua.

Giảm trừ tiết dạy bằng chức danh kiêm nhiệm khác như công việc làm Bí thư Chi bộ của hiệu trưởng, làm chủ tịch công đoàn, thư kí hội đồng của phó hiệu trưởng…

Nhưng cũng có không ít người được giáo viên “tình nguyện” dạy hộ theo kiểu “không dạy cũng không được”.

Số khác cũng cố gắng dạy đủ các tiết theo quy định nhưng không ít người “dạy cho có” bởi không giáo án, không đồ dùng dạy học khi lên tiết.

Chẳng ai có thể dự giờ, kiểm tra Ban giám hiệu đứng lớp, hơn nữa, trong số những người được đề bạt lên làm Ban giám hiệu số ít là do dạy giỏi và cũng không ít người do “sống lâu lên lão làng”.

Vậy là, giữ chức đó rồi họ sẽ chẳng bao giờ phải lo xuống chức trừ khi vi phạm kỷ luật nặng. Cứ thế, họ dung dung rút khỏi việc giảng dạy và chẳng bao giờ học hỏi thêm.

Thế mới có chuyện chưa bao giờ có một hiệu trưởng hay hiệu phó nào dám dũng cảm đứng ra thao giảng một tiết dạy cụ thể để giáo viên trong trường học tập.

Chuyên môn làng nhàng, thoát li thực tế giảng dạy quá lâu nhưng họ lại có quyền chỉ đạo chuyên môn của cả trường thậm chí trở thành chuyên viên của cả một huyện, thị xã. Vậy mà họ chỉ đạo rất hay, phán rất giỏi.

Chẳng thế mà có vị hiệu trưởng, vị chuyên viên vì một lý do tế nhị không được bổ nhiệm lại khiến họ trở thành giáo viên thì mấy năm liền không có nổi một tiết dạy đạt loại tốt.

Nếu muốn đổi mới giáo dục, đổi mới chuyên môn một cách hiệu quả thì việc làm đầu tiên phải đổi mới cách làm của Ban giám hiệu các trường. Như việc thi tuyển công khai trước khi bổ nhiệm.

Quản lý chặt chẽ việc giảng dạy đúng quy định của Ban giám hiệu các trường, hàng tháng, hàng quý chính họ phải có những tiết thao giảng mẫu để giáo viên toàn trường dự giờ học hỏi.

Trong lĩnh vực chuyên môn, không có gì hiệu quả hơn việc “Nói phải đi đôi với làm”. Nếu người chỉ đạo chuyên môn mà dũng cảm đứng lên thao giảng những tiết dạy mẫu thì mới có thể làm gương cho tất cả giáo viên học tập.

Tác giả bài viết: Đỗ Quyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP