Giáo dục

Nhiều sinh viên IT hối hận khi 'đi làm lương nghìn đô nhưng thiếu bằng đại học'

Việc sinh viên IT đi làm thêm không còn quá xa lạ, thậm chí nhiều bạn sẵn sàng bảo lưu kết quả học để đi làm.

Năm 2017, Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1999, quê Sơn La) trở thành tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ bưu chính Viễn thông với nhiều kỳ vọng của bản thân và gia đình. Hai năm đầu đại học, cậu hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và kết quả thi luôn đứng top của lớp.

Sẵn sàng bỏ học để đi làm thêm

Do hoàn cảnh khó khăn nên cuối năm 3 đại học, Hoàng xin làm thêm bán thời gian tại công ty lập trình phần mềm và quản trị hệ thống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để có thêm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm. Tại đây, Hoàng được giao nhiệm vụ lập trình vận hành ứng dụng trên mobile như mua sắm online, ứng dụng đi chợ, quản lý thông minh.

Sinh viên bỏ học để đi làm thêm từ sớm. (Ảnh minh họa)

Thời gian đầu đi làm, cậu nhận được mức lương khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Sau đó, với kiến thức và khả năng đáp ứng công việc tốt nên được tăng lương lên 10 - 13 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc và áp lực cũng dần tăng. Hoàng cảm thấy vui vì những nỗ lực của bản thân được đền đáp xứng đáng.

Khi đang trên đà hăng say cống hiến, cậu nghĩ bản thân không cần bằng cấp vẫn có thể làm việc, thậm chí còn kiếm hàng chục triệu/tháng. Hoàng giấu gia đình xin bảo lưu kết quả học để đi làm, dự tính khi nào rủng rỉnh tiền sẽ học tiếp.

Đi làm hơn một năm, Hoàng thấy bản thân không có thời gian đi học nữa và bắt đầu tính tới việc nghỉ học. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cậu quyết định nói chuyện với gia đình cho nghỉ học. Dù bị bố mẹ phản đối gay gắt, nhưng cậu một mực đi theo con đường riêng của bản thân.

Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ như cậu nghĩ. "Đi làm hơn một năm, em dần cảm thấy không còn hào hứng như những ngày đầu làm việc, vì suốt ngày phải nhìn máy tính với những dãy code dài. Em quyết định tìm công việc mới", chàng trai gốc Sơn La nhớ lại.

Từ một sinh viên ưu tú, giờ Hoàng trở thành người không bằng cấp, muốn đi xin việc cũng rất khó được chấp nhận. Trước áp lực cơm áo gạo tiền ở thành phố, cậu đành xin làm nhân viên chăm sóc khách hàng cho công ty đào tạo khóa học ngoại ngữ với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng.

"Vì mong muốn kiếm tiền sớm phụ giúp gia đình, em đã từ bỏ tấm bằng đại học với biết bao cơ hội mở ra. Em cảm thấy hối hận vì đã bỏ học để đi làm từ sớm", Hoàng bộc bạch.

Hệ lụy khó lường

Phạm Hữu Linh (SN 2000, quê Nghệ An) suýt không lấy được bằng tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) do mải mê đi làm thêm.

Vốn đam mê máy tính từ nhỏ, ngay khi tốt nghiệp cấp 3, Linh đăng ký nguyện vọng vào trường Đại học Công nghệ. Năm 2019, sau khi trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin, cậu hào hứng học tập và đạt nhiều kết quả cao, nhận được học bổng của trường.

Bước sang năm thứ 3, nhờ thành tích học tập tốt nên Linh được nhiều công ty ngỏ ý mời về làm việc. Lúc này, cậu bắt đầu phân vân giữa việc lựa chọn đi học hay đi làm.

Sinh viên bảo lưu kết quả học tập để đi làm và hệ lụy không thể lường trước. (Ảnh minh họa)

Sau nhiều đêm suy nghĩ, nam sinh quyết định nhận lời làm việc tại một công ty chuyên về lập trình tại Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, cậu chuyên lập trình web, sản xuất ra các trang web cho các công ty, đơn vị có nhu cầu. Mỗi tháng, mức lương 12 - 15 triệu đồng và tăng dần theo thời gian.

Lúc đầu, lịch làm và lịch học trùng nhau khá nhiều nên Linh phải xin nghỉ học nhiều buổi để đảm bảo tiến độ công việc. Nhận thấy nghỉ học nhiều không phải phương án tốt, cậu xin bảo lưu kết quả học tập để tập trung cho công việc.

Một năm sau, công ty đề bạt cậu nắm chức vụ cao hơn với mức lương hậu hĩnh 20 - 25 triệu đồng/tháng (chưa tính thưởng doanh thu). Tuy nhiên, công ty yêu cầu phải có bằng đại học. Lúc này, Linh mới tá hỏa vì bảo lưu một năm nên chưa có bằng.

Công ty hứa sẽ chờ Linh lấy bằng và cất nhắc vào vị trí phù hợp với năng lực. Linh vội vàng làm thủ tục xin đi học lại, đồng nghĩa với việc phải hạn chế tối đa việc đi làm hoặc có thể làm online.

Đi học lại, Linh khá khó khăn trong việc bắt nhịp, lượng kiến thức cũng không nắm được. Chật vật với khối lượng nội dung của năm 3 và 4, nhiều khi cậu thấy nản chí, muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ về tương lai nam sinh lại cố gắng, nỗ lực để vượt qua.

Tháng 8/2023, Linh tốt nghiệp đại học. Cầm tấm bằng khá trên tay, quay trở lại công ty, lúc này chàng tân cử nhân ngớ người khi vị trí công việc trước kia giờ đã thuộc về của người khác. Công ty giải thích do đợi quá lâu nên phải tìm người khác thay thế.

"Em cảm thấy buồn vì bản thân không cố gắng học xuyên suốt 4 năm mà lại bảo lưu một năm chỉ vì ham đi làm. Nếu ngày trước cố gắng nỗ lực đi học và chỉ làm một vài công việc đơn giản phù hợp với kiến thức thì giờ em cũng đã ra trường sớm hơn một năm, cơ hội cũng đã khác", nam sinh bày tỏ.

Thầy Phạm Thái Sơn, giảng viên Đại học Công thương TP.HCM nhận định, hiện sinh viên đi làm thêm khá phổ biến, nhiều bạn gia đình giàu có vẫn đi làm thêm để học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên làm thêm để trang trải cuộc sống.

Theo thầy, làm thêm với thời gian vừa phải là tốt, vừa đem lại kinh nghiệm, tài chính, vừa cho sinh viên thử nghiệm những kiến thức đã học ở nhà trường. Tuy nhiên, nếu các em sa đà vào việc làm thêm sẽ phải đánh đổi thời gian, công sức của mình. Đáng lo guồng quay đi làm khiến các bạn mệt mỏi hơn, quá tải, lúc đó việc học sẽ giảm sút.

Dẫn chứng về một sinh viên tại Đại học Công thương TP.HCM, thầy Sơn nói, năm 2018, 2019 bất động sản phát triển mạnh, Đăng say mê với công việc này vì mức thu nhập cao và quyết định bỏ học, mặc cho các thầy cô khuyên ngăn. Hiện Đăng cảm thấy hối hận nhưng không kịp.

"Tôi khuyến khích sinh viên nên đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức xã hội, nhưng đừng để sa đà quá vào việc làm thêm. Các em cứ nói là người này người kia bỏ học mà vẫn thành công, nhưng thực tế là rất ít người bỏ học đại học mà thành công", thầy Sơn nói.

Tác giả: KHÁNH SƠN

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP