Thay vì có phần mềm hỗ trợ hoặc thiết bị dạy học thì giờ học Tiếng Việt của Trường Tiểu học Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc vẫn chủ yếu học bằng sách giáo khoa. |
Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai thành công cần ba yếu tố để đảm bảo đó là: cơ sở vật chất (đủ phòng dạy học 2 buổi/ngày và phòng học chức năng), trang thiết bị dạy học tối thiểu và đủ giáo viên để dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, tại Nghệ An, những yếu tố nói trên vẫn chưa đủ.
Năm học này, Trường Tiểu học Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc có 6 lớp 1 với 208 học sinh. Số lượng trung bình 35 học sinh/lớp, được xem là một điều kiện thuận lợi để nhà trường tổ chức dạy học theo chương trình mới. Ở lớp 1G, số học sinh được bố trí đúng chuẩn, mỗi bàn học chỉ có 2 học sinh, không gian trong lớp rộng, thoáng, được trang trí sinh động, đẹp mắt. Giờ học Tiếng Việt, vừa phải làm quen với bảng chữ cái, vừa bắt nhịp với môi trường mới, nhưng học sinh học khá hào hứng và các em đều đã theo kịp được bài đọc trong sách giáo khoa.
Là giáo viên kinh nghiệm, có nhiều năm tham gia giảng dạy chương trình lớp 1, cô giáo Phùng Thị Mai, chủ nhiệm lớp 1G cho biết: Với môn Tiếng Việt, theo chương trình giữa các bài tập đọc có phần mềm minh họa bằng hình ảnh hỗ trợ cho các giáo viên trong quá trình tổ chức bài giảng. Tuy nhiên, hiện nay, do các lớp học ở Trường Tiểu học Nghi Xuân chưa có ti vi, cũng chưa có màn chiếu hỗ trợ, học sinh vẫn đang phải học “chay”. Vì vậy, thay vì sử dụng hình minh họa ở phần mềm, cô giáo Phùng Thị Mai vẫn đang sử dụng sách giáo khoa để học sinh xem và đánh vần khá vất vả. Trong khi đó, theo nhiều giáo viên, việc có những phương tiện công nghệ thông tin hỗ trợ chiếm đến hơn 50% thành công của bài giảng.
Với những bất cập này, hiện Trường Tiểu học Nghi Xuân đang khẩn trương xây dựng kế hoạch xã hội hóa đầu năm để xin địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc phê duyệt, trong đó toàn bộ kinh phí xã hội hóa năm nay sẽ dùng để đầu tư mua sắm ti vi cho 27 phòng học của trường. Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Xuân cho biết: “Để chuẩn bị cho chương trình thay sách giáo khoa lớp 1, năm nay, nhà trường đã trích kinh phí chi thường xuyên của trường để mua sắm trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, kinh phí ít, nhà trường chỉ mua được một số đồ dùng cần thiết và phải dùng chung giữa các lớp. Ngoài ra, trường ưu tiên mua 6 bảng trượt thông minh cho học sinh lớp 1 để sau này lắp đặt thêm ti vi, phần còn lại kinh phí lớn, nhà trường sẽ huy động xã hội hóa”.
Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tại huyện miền núi Tương Dương, qua thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, chưa có trường học nào đủ điều kiện để trang bị ti vi hoặc máy chiếu cho trường học để tổ chức giảng dạy theo đúng như chương trình giáo dục phổ thông mới đã đề ra.
Thầy giáo Nguyễn Đình Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lưu Kiền thẳng thắn nói: Để tổ chức dạy học, việc bổ sung trang thiết bị là rất cần thiết cho cả giáo viên và học sinh. Trong điều kiện của huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhà trường chỉ cố gắng vận động học sinh mua đủ sách giáo khoa cơ bản cho các em đi học, còn thiết bị và sách tham khảo hầu như không mua.
Giờ tập viết của học sinh Tiểu học Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc. |
Tương tự, thầy giáo Đào Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn cho hay, trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu 5 phòng học, các phòng học cũ đã xuống cấp trầm trọng, chưa có internet để áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Do điều kiện là con em vùng khó, thuộc diện hộ nghèo, nhà trường đang tạm ứng nguồn ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh trong năm học mới, đồng thời vận dụng trang thiết bị dạy học cũ để giảng dạy.
Bà Võ Tuyết Chinh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương thừa nhận: Mặc dù đã bước vào năm học mới nhưng các trường trên địa bàn huyện Tương Dương vẫn chưa mua sắm đủ trang thiết bị đồ dùng dạy học. Hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo đang rà soát toàn bộ nhu cầu của các nhà trường và làm tờ trình đề xuất huyện Tương Dương hỗ trợ.
Theo thống kê tại Nghệ An, về cơ bản đã bố trí đủ phòng học để học sinh học 2 buổi/ngày với trên 75% là phòng học cấp 4 trở lên. Tuy nhiên, phòng học chức năng thiếu rất nhiều, đặc biệt là phòng học Tin học và phòng học đa năng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra trầm trọng. Riêng năm nay, các trường phải ưu tiên giáo viên cho lớp 1, do vậy, tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học khác lại càng khó khăn hơn.
Hiện tỷ lệ theo quy định là 1,5 giáo viên/lớp nhưng ở Nghệ An chỉ mới 1,28 giáo viên/lớp, cá biệt nhiều đơn vị như Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai rất thấp. Trường Tiểu học Quỳnh Thiện A, thị xã Hoàng Mai năm nay có 18 lớp nhưng chỉ có 14 giáo viên (trong đó có 1 giáo viên nghỉ sinh). Để bố trí đủ giáo viên, nhà trường buộc phải hợp đồng thêm cả giáo viên nghỉ hưu và những sinh viên tốt nghiệp mới ra trường. Lãnh đạo nhà trường cho biết, việc hợp đồng có thể không đúng quy định nhưng nhà trường vẫn phải thực hiện hợp đồng thêm giáo viên thỉnh giảng, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Tuy nhiên, việc hợp đồng giáo viên cũng đang khó khăn, bởi hiện nay, mức chi trả trung bình là 35.000 đồng/tiết như ở Quỳnh Lưu không thu hút được giáo viên. Nhiều địa phương vì thiếu giáo viên nên Hiệu phó nhà trường cũng phải đứng lớp như một giáo viên văn hóa.
Ông Hồ Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: “Năm học này huyện có 84 chỉ tiêu tuyển giáo viên Tiểu học nhưng chỉ có 17 hồ sơ đăng ký. Vì thế việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn. Nguyên nhân chính bởi hiện nay, theo quy định mới của Luật Giáo dục, phải tuyển dụng giáo viên có trình độ đại học, còn nếu hợp đồng khoán tiết, giáo viên không mặn mà bởi mức chi trả quá thấp”.
Thực tế cho thấy, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thiếu giáo viên đứng lớp đã và đang diễn ra tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Để giải quyết những khó khăn trên, bổ sung trang thiết bị dạy học, các trường học đã cân đối nguồn ngân sách của trường và nguồn xã hội hóa để đầu tư, trang bị thêm. Các địa phương ưu tiên ngân sách để hỗ trợ phục vụ cho giáo dục. Về sách giáo khoa, hiện do giá sách quá cao, các trường đều phải cân nhắc, chỉ lựa chọn cho học sinh những sách tối thiểu. Thế nên, cơ hội để học sinh học thêm, đọc thêm sách tham khảo và sách nâng cao rất ít.
Với tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An đã có tờ trình xin bổ sung 7.843 biên chế nhưng hiện vẫn chưa có quyết định bổ sung. Trong khi đó, tỉnh Nghệ An đang xem xét để quy hoạch lại mạng lưới trường lớp giai đoạn 2021- 2025, tiến tới giảm điểm trường lẻ để bổ sung giáo viên cho các điểm trường chính và tạo điều kiện để học sinh học các môn Tin học, Tiếng Anh và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Qua rà soát, trong những năm tới, số lượng học sinh trên toàn tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng nhanh. Vì thế, việc chuẩn bị các yếu tố nói trên không chỉ để giải quyết cho năm học này mà còn cần phải có những giải pháp căn cơ, lâu dài, tránh bị động cho những năm học tiếp theo.
Tác giả: Bích Huệ (TTXVN)
Nguồn tin: Báo Tin tức