Trong tỉnh

Nhiều bản vùng cao ở Nghệ An vẫn ngóng điện lưới quốc gia

Nhiều năm nay, người dân nhiều bản vùng cao Nghệ An vẫn đang thiếu điện, không có điện phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh…

Tỉnh Nghệ An hiện đang còn khá nhiều bản vùng cao chưa có điện lưới quốc gia. Bà con đã phải vận dụng dòng nước ở khe suối để có điện thắp sáng, nhiều hộ dân vẫn phải dùng ngọn đèn dầu leo lét, họ đang khát khao sớm có ánh điện.

Quầng tối dưới chân nhà máy thuỷ điện

Vượt qua quãng đường hơn 300 cây số từ thành phố Vinh, đến trung tâm thị trấn huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), từ trung tâm thị trấn, để có mặt tại xã Cà Tạ chúng tôi phải đi thêm 13km đường đất với những đoạn đường phải lội bộ. Nơi đây, được mệnh danh “những căn nhà không ánh sáng”.

Tuy có 3 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn xã đã nhiều năm, nhưng 4 bản vùng cao của xã Tà Cạ, huyện Tương Dương (Nghệ An) vẫn không có điện lưới để sử dụng

Theo ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch xã Tà Cạ, hiện cả xã còn 4 bản là, Sa Vang, Nhạn Lỳ, Na Nhu và Xốp Khăm - đây là những bản khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn với 100% là dân tộc Khơ Mú. Hiện cả bản nghèo ở đây vẫn chưa có điện lưới dù cho nhiều năm qua sống ngay cạnh 3 nhà máy thủy điện như Bản Cánh, Nậm Mô, Nậm Cắn nằm trên dòng sông Nậm Mộ.

Khi đề cập đến vấn đề các bản làng “khát điện” ngay dưới chân các nhà máy thuỷ điện, ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch xã Tà Cạ cho biết: "Kế hoạch của huyện Kỳ Sơn, nếu bố trí nguồn vốn kịp thời thì cuối năm 2022 sẽ có điện. Hiện người dân tại 4 bản của xã Tà Cạ vẫn không có điện lưới để sử dụng, đó là một điều quá thiệt thòi cho bà con nơi đây...".

Chính vì thế, bao năm nay người dân vẫn phải tận dụng sức nước khe suối chạy tuabin để lấy điện thắp sáng. Thầy Hà Thắm Cảnh - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Cạ, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho hay: Từ năm 2000, toàn bộ học sinh chuyển từ bản Na Nhu chuyển ra bản Sa Vang. Từ đó đến nay đời sống bà con 2 bản này gặp rất nhiều khó khăn, đường là đường đất, điện lưới chưa có, nhà trường khắc phục khó khăn bằng mua các tuabin nhỏ để phát điện, nhưng chập chờn. Khi dùng các tuabin, vào mùa mưa thì một ngày bao nhiêu lần phải ra chỉnh lại, vì tuỳ dòng nước khi ít quá không phát được, mà nhiều quá cũng không được, nước mạnh quá máy cũng trôi mất, còn mùa khô ít nước thì thầy cô phải ra đắp hàng ngày..., nên hoàn cảnh nhà trường và các em học sinh nội trú rất khó khăn.

Vì không có điện lưới nên toàn bộ số máy tính của trường học đành “đắp chiếu”

“Cả trường giờ chỉ có 2 máy phát điện mini, nhưng tải về rất kém nên chỉ phát sáng được 6-7 bóng đèn, còn các sinh hoạt khác như nấu cơm hay dạy học bằng máy tính là chịu. Hầu như chương trình dạy học bằng máy tính thì thầy cô chỉ khắc phục bằng cách dùng máy xách tay về sạc pin đầy lên dạy, nhưng cũng không đảm bảo được cả buổi học...”, thầy Hà Thắm Cảnh chia sẻ.

Còn người dân nơi đây thì gần như đã quen rồi, ông Khun Văn Kỳ ở bản San Vang cho biết: “Cả bản hiện vẫn chưa có điện lưới nên rất khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt. Không có điện nên giờ nhà tôi có máy xay xát vẫn chạy bằng dầu rất tốn kém. Giờ cả bản chỉ mong có điện lưới để đỡ vất vả và có thể phát triển sản xuất”.

Cách đó không xa, nhiều hộ gia đình ở đây vẫn phải thắp đèn chiếu sáng chạy bằng tuabin đặt ngoài khe suối. “Một tuabin mini điện mỗi gia đình phải mua 2-3 triệu đồng nhưng chỉ dùng để thắp sáng cho một bóng đèn tiết kiệm điện. Đó là chưa kể khi mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, tuabin cũng bị cuốn trôi, người dân lại phải mất thêm tiền mua cái mới...”, người dân Sa Vang cho biết. Theo người dân bản Sa Vang không biết đến khi nào mới có điện. Dân bản Sa Vang thấy điện lưới thì thèm lắm, nhưng chỉ ước ao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chon Văn Quế – Trưởng bản Sa Vang (xã Tà Cạ) cho biết: Bản Sa Vang (gộp chung cả bản Xốp Khăm) có tất cả 103 hộ, chưa có điện lưới nên đời sống của bàn con dân bản gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi. Hiện cả bản phải dùng điện chạy bằng tuabin để thắp sáng. Tội nhất là các cháu nhỏ, tối đến ánh điện tù mù không thể học được. Bà con dân bản muốn xem tivi, báo đài để nắm bắt tình hình, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước cũng không được vì không có điện.

Trưởng bản Sa Vang cho biết, bà con trong bản buồn vì dọc sông Nậm Mộ có đến 3 nhà máy thuỷ điện mà nhiều năm rồi người dân vẫn không thể dùng điện lưới. Tại sao nơi xa hơn lại có điện để dùng, còn người dân chúng tôi sống gần các nhà máy thuỷ điện lại phải mong mỏi điện. “Cái này trong các cuộc tiếp xúc cử tri cấp xã, cấp huyện người dân cũng đã ý kiến rất nhiều lần. Nhưng cấp trên cứ hẹn năm này rồi lại năm kia, năm kia rồi lại năm khác... Xã và huyện nói cuối năm 2022 sẽ có điện lưới cho bà con trong bản, nhưng giờ quá nửa năm rồi nhưng vẫn chưa thấy gì. Người dân họ bức xúc lắm!”, Trưởng bản Cho Văn Quế nói.

Bao giờ miền Tây Nghệ An được hoà lưới điện quốc gia?

Từ nhiều năm qua, một số khu vực vùng sâu vùng xa các huyện như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong… thuộc khu vực miền Tây Nghệ An vẫn quẩn quanh trong nghèo, đói, thiếu việc làm… Thiếu điện lưới quốc gia, bà con nơi đây rơi vào cảnh đói nghèo quanh năm, thậm chí có những xã gần như 100% là hộ nghèo. Muốn có dự án đầu tư, kích cầu tăng trưởng cũng không thể vì hạ tầng điện lưới không đảm bảo.

Thầy cô Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Cạ, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn phải sử dụng tuabin mini lấy điện từ sức nước ở các suối, khe tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn

Bức tranh giàu - nghèo giữa miền xuôi và miền núi ở Nghệ An hàng chục năm qua vẫn phân chia rõ rệt vì nhiều nguyên nhân trong đó có hệ thống hạ tầng điện lưới chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời.

Trước đề nghị của địa phương và các ngành chức năng, từ tháng 10/2014, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An giai đoạn 20215-2020.

Tuy nhiên, việc đấu nối, hoà lưới điện quốc gia cho vùng nông thôn miền Tây Nghệ An vẫn chưa thể triển khai đồng bộ khiến nhiều thôn, bản ở khu vực này đến nay vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu, điện lưới chưa phủ kín dẫn đến tình trạng người dân tự ý sử dụng tuabin mini lấy điện từ sức nước ở các suối, khe tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kỳ Sơn cho hay, đến nay toàn huyện Kỳ Sơn có 81 bản chưa có điện lưới quốc gia. Thời gian tới, "Theo lộ trình chương trình, những thôn bản nằm trong chương trình điện nông thôn của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc sẽ có điện vào cuối năm 2022 và chậm nhất sang năm 2023 xoá trắng các bản thiếu điện lưới quốc gia. Còn lại một số thôn bản đang được đề xuất thì còn phải chờ…”, ông Long cho biết thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng phòng quản lý điện năng Sở Công Thương Nghệ An, đến nay thực hiện các chương trình, dự án cấp điện, tỉnh Nghệ An đã có 157 thôn, bản/273 thôn bản (bao gồm cả đảo Mắt) được cấp điện. Trong năm 2021, đã thực hiện đầu tư cấp điện cho 49 dự án bằng nguồn điện lưới quốc gia (trong đó đến nay đã đóng điện cấp điện cho 46 thôn, bản và 3 thôn bản còn lại sẽ đóng điện trong quý 3/2022).

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, đến nay còn 116 thôn bản và đảo Mắt chưa có điện. Trong đó tình hình thực hiện để triển khai cấp điện như sau: Có 76 thôn, bản cấp điện bằng điện lưới quốc gia theo Quyết định số 9781/QĐ-BCT ngày 30/10/2014 của Bộ Công Thương. Hiện nay đã có kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư và dự kiến sẽ hoàn thành cấp điện trong năm 2022; 25 thôn bản và đảo Mắt thuộc dự án cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo tạo theo Quyết định số 5124/QĐ-UBND ngày 12/12/2019 của uỷ ban nhân dân tỉnh. Hiện nay chưa được Chính phủ ghi vốn để triển khai thực hiện; số còn lại 15 thôn, bản đang đề xuất chưa thuộc các dự án được phê duyệt, đã đề nghị bổ sung vào dự án cấp điện lưới quốc gia. Hiện nay ngành điện và Bộ Công Thương đang xem xét.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, hiện đã sang đến quý III/2022, một số hạng mục ở nhiều địa bàn để thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia đối với các huyện miền Tây Nghệ An đến nay vẫn chưa triển khai thi công đồng bộ.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP