Thể thao

Nhiệm vụ giành các suất dự Olympic của thể thao Việt Nam

Năm 2024, ngành thể thao sẽ tập trung cho nhiệm vụ quan trọng là giành các suất dự Olympic. Chúng ta mới có 4 suất chính thức trong mục tiêu giành từ 12-15 suất.

Hôm 1/2, trong buổi gặp gỡ báo chí trao đổi thông tin, Cục trưởng Cục TDTT - ông Đặng Hà Việt cho biết: “Chỉ tiêu của ngành là hướng tới giành từ 12 tới 15 suất chính thức. Chúng tôi đang tập trung để các môn thể thao có vận động viên trọng điểm thi đấu phấn đấu giành suất chính thức Olympic Paris (Pháp) 2024.

Dự báo, môn cầu lông có cơ hội hiện thực suất này với trường hợp tuyển thủ Nguyễn Thùy Linh. Tuyển thủ Lê Đức Phát cũng trong kỳ vọng. Bắn súng đang nỗ lực chờ đợi giành thêm 1 suất nam và 1 suất nữ. Một số môn như row ing, canoeing, boxing, taekwondo, judo, bắn cung, điền kinh, TDDC, bơi cũng có sự chuẩn bị của mình”.

Chỉ tiêu trên là giảm so với kỳ Olympic trước đây. Theo chia sẻ của ông Đặng Hà Việt thì: “Chúng tôi nhìn nhận, xét về mặt số học là dự báo số suất Olympic đi xuống. Công tác đầu tư, tuyển chọn chưa hiệu quả. Ngành thể thao phải nhìn nhận để có sự thay đổi và có nhiều việc phải làm”.

Vận động viên tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Minh Nguyệt

Đến thời điểm này, thể thao Việt Nam đã có 4 suất dự Olympic 2024. Đầu tiên là cua rơ Nguyễn Thị Thật là người đầu tiên giành vé dự Olympic, thông qua giải xe đạp đường trường châu Á 2023 nội dung xuất phát đồng hàng nữ (109km).

Thứ hai là xạ thủ Trịnh Thu Vinh giành vé dự Olympic 2024 nội dung 10m súng hơi ngắn nữ. Cụ thể, đại diện Việt Nam xếp vị trí thứ 5/8 vận động viên tham dự giải bắn súng vô địch thế giới 2023 (tháng 8/2023).

Thứ 3 là kình ngư Huy Hoàng. Tại ASIAD 19, anh giành 2 huy chương đồng môn bơi nội dung 800m và 400m tự do nam. Đáng chú ý, thông số 7 phút 51 giây 44 ở nội dung 800m tự do giúp vận động viên người Quảng Bình có vé đến Paris 2024.

Xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng) là người giành suất chính thức thứ 4 cho thể thao Việt Nam dư Olympic Paris (Pháp). Tại giải vô địch châu Á 2024, nội dung 10m súng trường hơi nữ, bước vào vòng chung kết, vận động viên Singapore bị loại sớm, qua đó giúp Mộng Tuyền (hạng 5) và xạ thủ của Iran (hạng 6) chính thức giành quyền góp mặt ở đấu trường Olympic.

Năm 2024, dự kiến Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 sẽ được ban hành. Như vậy, ngành thể thao có một định hướng cụ thể để đầu tư nhắm vào các mục tiêu rõ ràng. Ông Đặng Hà Việt nói: “Chúng tôi vẫn có những dự báo và sự chuẩn bị chuyên môn tiếp tục tập trung vào nhóm tuyển thủ trọng điểm của nội dung trọng điểm để thi đấu tranh vé Olympic trong môn đua thuyền row ing, canoeing, cầu lông, bơi, bắn súng, điền kinh, cử tạ, judo, taek wondo, boxing, bắn cung... Thể thao Việt Nam tập trung tối đa cho các tuyển thủ sẽ tranh tấm vé quan trọng dự Olympic năm nay”.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương làm việc cùng lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao và trực tiếp nghe báo cáo của các bộ môn (Cục Thể dục Thể thao), ban huấn luyện các đội tuyển thể thao quốc gia đang có nhiệm vụ chuẩn bị thi đấu các lượt vòng loại Olympic. Cuộc làm việc xung quanh nội dung lãnh đạo ngành yêu cầu các đội tuyển thể thao quốc gia phải được đầu tư trọng tâm nhất, tranh thêm suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Có thể thấy rằng, nhiệm vụ quan trọng năm 2024 đã được xác định. Sau kỳ ASIAD 19 chưa được thành tích như kỳ vọng, thể thao Việt Nam đang dồn sự quyết tâm cho mục tiêu năm 2024.

Sau đây các đội tuyển thể thao quốc gia sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng tới nhịp tập luyện thường xuyên của nhóm tuyển thủ trọng điểm sẽ thi đấu vòng loại Olympic. Giai đoạn này, các vận động viên vẫn tích cực luyện tập với cường độ cao ở các trung tâm.

Khán giả Việt Nam xem vòng bảng Asian Cup 2023 nhiều nhất

Theo thống kê mới nhất từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ lượt xem vòng bảng Asian Cup 2023 nhiều nhất qua truyền hình. Với 36 trận đấu vòng bảng, Việt Nam đạt 200 triệu lượt xem, tăng 84% so với giải đấu lần trước ở UAE cách đây 4 năm.

Vị trí thứ 2 thuộc về Indonesia với 154 triệu lượt xem truyền hình. Sở dĩ như vậy bởi đây là lần đầu đội bóng xứ Vạn đảo trở lại Asian Cup kể từ năm 2007.

Giải đấu năm nay, họ vượt qua vòng bảng với chiến thắng duy nhất trước Việt Nam, thu hút sự quan tâm của người dân trong nước. Sau đó, thầy trò ông Shin Tae-yong dừng bước ở vòng 1/8 sau trận thua Australia.

Hàn Quốc cũng đạt con số lớn với 65 triệu lượt xem, tăng 51% so với năm 2019 dù sử dụng truyền hình trả phí. Trong khi đó, Việt Nam phát sóng các trận đấu miễn phí trên lãnh thổ, có lợi thế hơn những quốc gia khác. Asian Cup 2023 được phủ sóng rộng rãi với phạm vi 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là lần đầu tiên, các trận đấu vòng bảng được trực tiếp đến phạm vi châu Mỹ, châu Âu, châu Phi.

Bên cạnh con số truyền hình, Asian Cup 2023 cũng ghi nhận số lượng khán giả đến sân lớn, đạt hơn 1,168 triệu người tính đến vòng 1/8, phá kỉ lục lập năm 2004 tại Qatar (937.650 người).

Trận đấu có số lượng người tham dự đông nhất là trận khai mạc giữa Qatar và Lebanon với 82.490 người.

Trước mắt, Asian Cup 2023 còn 7 trận đấu (4 trận tứ kết, 2 trận bán kết, 1 trận chung kết) và con số trên sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Trước đó, tại Asian Cup 2019, dữ liệu truyền hình toàn giải ghi nhận 733 triệu lượt xem. Trận tứ kết giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 40,42 triệu lượt xem và trận chung kết giữa Qatar và Nhật Bản cán mức 35,99 triệu lượt xem.

H.H

Tác giả: Hưng Hà

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP