Số hóa

Nhật Bản sẽ triển khai trạm gốc di động 5G bay trong tầng bình lưu

Ngành viễn thông Nhật Bản đang hy vọng tái lập dấu ấn của mình một lần nữa trên bản đồ toàn cầu, bằng cách triển khai các trạm gốc di động 5G bay vào năm 2025.

Trong vài năm qua, các quốc gia đã tìm cách triển khai mạng di động 5G, vốn là kết nối mạng không dây nhanh nhất hiện có trên thị trường. Trong đó, Trung Quốc đã lập kỷ lục trong lĩnh vực này bằng cách lắp đặt hơn ba triệu trạm gốc, vượt xa thị trường Mỹ.

Theo nhà tổng hợp dữ liệu Statista, thế giới có hơn 5 tỷ người dùng Internet. Tuy nhiên, mức độ thâm nhập của các dịch vụ Internet vẫn còn thấp ở một số khu vực ở Châu Phi, nơi chỉ có 24% dân số có thể truy cập Internet. Khó khăn trong việc thiết lập trạm gốc ở những nơi xa xôi là một trong những nguyên nhân khiến trạm nền tảng độ cao (HAPS) hướng tới khắc phục.

Ngành viễn thông Nhật Bản đang hy vọng tái lập dấu ấn của mình một lần nữa trên bản đồ toàn cầu, bằng cách triển khai các trạm gốc di động 5G bay vào năm 2025. (Ảnh: Softbank)

Được gọi là trạm nền tảng độ cao (HAPS), thiết bị này nhằm mục đích cung cấp vùng phủ sóng mạng rộng hơn, dưới dạng thiết bị bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời, hoạt động trong tầng bình lưu. Các công ty viễn thông như NTT của Nhật Bản đang quảng cáo HAPS như một giải pháp thế hệ tiếp theo giải quyết các thách thức hiện có, thông qua đó nó có thể giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.

Giống như Starlink của Elon Musk cung cấp dịch vụ internet trên không gian, các phương tiện bay không người lái HAPS sẽ bay ở độ cao từ 18 đến 25 km trong tầng bình lưu và hoạt động giống như các trạm cơ sở di động 5G. Nó chạy bằng năng lượng mặt trời, phạm vi phủ sóng của một mô-đun như vậy dự kiến ​​sẽ là 200 km, cung cấp mức kết nối và vùng phủ sóng viễn thông cao hơn so với các trạm 5G trên mặt đất.

Chúng được coi là thiết bị viễn thông thế hệ tiếp theo sẽ mở rộng khả năng kết nối trên bầu trời và trên biển, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách số ở các quốc gia có cơ sở hạ tầng mạng kém phát triển. Tuy nhiên, để công nghệ như vậy được sử dụng trên toàn thế giới, cần phải áp dụng một số tiêu chí công nghệ nhất định để có thể áp dụng ở từng thị trường.

Tại Hội nghị Thông tin Vô tuyến Thế giới được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào tháng 11 đến tháng 12 năm 2023, các đại biểu từ 163 quốc gia đã thảo luận về việc sử dụng tần số vô tuyến và quỹ đạo vệ tinh. Đề xuất của Nhật Bản về việc áp dụng bốn dải tần làm tiêu chuẩn quốc tế cho các trạm 5G bay trên không đã được thông qua tại Hội nghị, mở đường cho công nghệ HAPS được triển khai thống nhất trên toàn thế giới.

Theo đề xuất, các tần số 1,7 gigahertz, 2 GHz và 2,6 GHz sẽ được sử dụng trên toàn cầu cho các trạm gốc bay này. Ngoài ra, băng tần 700 đến 900 megahertz (MHz), được sử dụng để cải thiện dịch vụ di động ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và một số khu vực ở Châu Á, cũng đã được phê duyệt để sử dụng cho các trạm gốc bay HAPS.

Một công ty viễn thông khác của Nhật Bản là NTT đã hợp tác với đài truyền hình vệ tinh Sky Perfect JSAT để cung cấp dịch vụ dựa trên HAPS từ tháng 4 năm 2025. Dự kiến, buổi trình diễn công nghệ này cũng sẽ diễn ra tại World Expo 2025 ở Osaka, Nhật Bản.

Bằng cách thể hiện những thành tựu này, Nhật Bản mong muốn cạnh tranh với các quốc gia phương Tây và Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng mạng thế hệ mới.

Tác giả: HUỲNH DŨNG

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP