Giáo dục

Nhà trường loay hoay khi 'ăn đong' nhân viên y tế học đường

Thực tế cho thấy, công tác y tế học đường có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nhân viên y tế giúp học sinh sát khuẩn tay trước khi vào lớp. Ảnh: TG

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành càng thấy sự cần thiết của đội ngũ nhân viên y tế học đường. Tuy nhiên, vị trí này vẫn chưa được coi trọng.

Vẫn phải kiêm nhiệm

Trường Mầm non Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có một biên chế nhân viên y tế. Mọi công tác liên quan đến sức khỏe học đường đều do nhân viên này phụ trách.

“Vì có người chuyên trách, nên công tác chăm sóc sức khỏe của học sinh khá chu đáo và bài bản. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nếu không có nhân viên y tế học đường, chắc chắn trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho học sinh” – cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thúy Khanh nhấn mạnh.

Theo cô Khanh, ở Trường Mầm non Trương Định, nhân viên y tế còn có nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, nhân viên này còn thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện tình trạng giảm thị lực, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và bệnh tật khác để xử trí, chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định, phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Phụ trách công tác y tế học đường của Trường Mầm non Trương Định, cô Quản Thị Uyên cho hay, công việc chính hàng ngày là sơ cứu học sinh nếu gặp sự cố. Ngoài ra, cô còn xây dựng kế hoạch kiểm tra sức khỏe trẻ định kỳ và kiểm tra an toàn thực phẩm.

Khi có chiến dịch phòng, chống dịch bệnh của phường, cô sẽ tham gia, đồng thời lĩnh hội chỉ đạo của cấp trên để triển khai, áp dụng vào nhà trường. “Chẳng hạn, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tôi vừa làm việc trường, vừa tham gia công tác phòng, chống dịch cho địa phương”, cô Uyên chia sẻ.

Vai trò của y tế học đường là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, cơ sở giáo dục vẫn chưa có nhân viên y tế chuyên trách. Có nơi, một nhân viên y tế phải đảm nhiệm công việc cho cả 3 trường từ mầm non đến THCS.

Ông Bùi Văn Thư – Trưởng phòng GD&ĐT Mèo Vạc (Hà Giang) cho hay, toàn huyện có hơn 29 nghìn học sinh học tập tại 53 trường mầm non, tiểu học, THCS. Tuy nhiên, đến nay mới có 30 nhân viên y tế học đường. Vì thế, việc một nhân viên y tế phải kiêm nhiệm 3 trường là điều khó tránh khỏi.

“Chúng tôi căn cứ vào thực tế tại các xã để phân bổ, sử dụng nhân lực sao cho hợp lý. Chẳng hạn, nếu địa phương có trường mầm non, tiểu học, THCS gần nhau và số lượng học sinh không nhiều sẽ bố trí một nhân viên đảm nhiệm công tác y tế cho cả ba trường. Cũng có địa phương, các trường cách xa nhau thì một nhân viên phụ trách y tế cho hai trường, hoặc kiến nghị chính quyền địa phương tăng cường nhân viên của trạm y tế sang hỗ trợ” – ông Thư trao đổi.

Cô Quản Thị Uyên – nhân viên y tế Trường Mầm non Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Việc nhiều, thu nhập thấp

Theo ông Thư, nhân viên y tế trường học có vai trò quan trọng trong củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học; bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Vì vậy, thiếu nhân viên y tế học đường sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch, mục tiêu giảng dạy, theo dõi và chăm sóc sức khỏe của học sinh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân viên y tế học đường cũng khó khăn bởi chế độ đãi ngộ, lương thưởng không cao nên khó thu hút được nhân lực.

“Chúng tôi biết vai trò của y tế học đường là quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Nhu cầu nhân viên y tế là rất cần thiết, nhưng trong bối cảnh giáo viên còn thiếu nên khó bổ sung biên chế y tế học đường. Trước mắt, các trường phối hợp với trạm y tế cơ sở, trung tâm y tế để theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Phòng GD&ĐT cũng mong muốn được bổ sung biên chế, có chính sách thu hút để tuyển dụng được nhân viên y tế trường học cho các trường học trên địa bàn” - ông Thư bày tỏ.

Dù thuộc biên chế của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Ván (Quản Bạ, Hà Giang), nhưng cô Lộc Thị Lưu phải đảm nhiệm thêm công tác y tế học đường của trường mầm và tiểu học trên địa bàn xã. Vì làm việc cho cả ba trường, hàng ngày cô phải “phân thân” chạy đi chạy lại. Ngày nào cũng vậy, 6 giờ sáng, cô Uyên ra khỏi nhà. Mùa hè còn đỡ, nếu là mùa đông thì trời vẫn còn tối, sương mù dày đặc, đường sá lại khó đi nhưng đã là công việc, dù khó mấy, cô cũng vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Việc đầu tiên là tôi kiểm tra, lưu mẫu thực phẩm, vào sổ sách cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Ván, rồi vội vàng đi đến trường tiểu học để tiếp tục thực hiện công việc này. Khoảng hơn 10 giờ, tôi đến trường mầm non để làm việc. Kiểm tra đồ ăn bán trú của trẻ xong, tôi quay về trường tiểu học và THCS kiểm tra bữa ăn bán trú của học sinh những trường này. Ngày nào cũng vậy, như một vòng tròn khép kín đi từ trường này đến trường khác và ngược lại. Có những hôm mưa gió, mệt mỏi, thậm chí có những lúc tôi đã nghĩ đến nghỉ việc” – cô Lưu chia sẻ.

Theo cô Lưu, trên thực tế, còn nhiều việc mà cô phải làm từ: Kiểm tra sức khỏe cho hơn 600 học sinh của 3 trường cho đến làm sổ sách, sơ cứu học sinh; xây dựng kế hoạch, vệ sinh trường lớp, phòng chống dịch bệnh…. “Ngày nào cũng tất bật công việc, trong khi thu nhập chưa đầy 7 triệu/tháng. Công việc nhiều, có hôm tôi phải ngủ ở lại trường hoàn tất hồ sơ, sổ sách. Mỗi trường, có khoảng 3 - 5 đầu sổ để ghi chép các thông số, công việc hàng ngày” - cô Lưu phân trần.

Có hôm cùng một thời điểm nhiều học sinh của 3 trường đều ho, sốt, đau bụng… hết sơ cứu cho học sinh trường này, cô lại đến trường kia để kiểm tra, hướng dẫn giáo viên theo dõi, chăm sóc học sinh. “Trong mùa dịch Covid-19, lúc nào tôi cũng “căng như dây đàn”. Một mình đảm nhận công việc cho 3 trường, lại trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” nên nhiều lúc tôi như bị “tẩu hỏa”. Tôi mong các cấp thẩm quyền bổ sung thêm nhân viên y tế học đường để công việc được chia sẻ và hiệu quả, chất lượng hơn” – cô Lưu bày tỏ.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Ván. Ảnh: NTCC

Cần thiết bổ sung

Với 534 học sinh, Trường Tiểu học Kim Ngọc (Bắc Quang, Hà Giang) không có vị trí nhân viên y tế chuyên trách. Thầy Hiệu trưởng Đỗ Trung Quyết cho hay, không có nhân viên y tế học đường nên công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh gặp nhiều khó khăn. Cũng vì không có nhân viên y tế chuyên trách nên giáo viên chủ nhiệm sẽ phải kiêm luôn “thầy thuốc” cho học trò của mình.

“Bản thân cũng phải trực tiếp tham gia vệ sinh trường, lớp, chở học sinh đến trạm y tế (khi cần). Tất nhiên, những việc này có thể khắc phục, nhưng nhiều việc cần phải có chuyên môn mới có thể làm tốt được. Chẳng hạn như kiểm tra sức khỏe, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho học sinh… không thể thực hiện bằng kinh nghiệm” – thầy Quyết trao đổi.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc viện dẫn, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, do không có nhân viên y tế trường học nên gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, điều trị, cách ly y tế. Các thầy, cô giáo phải làm nhiệm vụ thay nhân viên y tế dù không được đào tạo về chuyên môn. Do đó, cần thiết bổ sung nhân viên y tế học đường cho các trường.

Thực tế, thiếu nhân viên y tế học đường cũng xảy ra ở các tỉnh, thành phố. Tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT hồi tháng 4/2022, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ cho phép được bổ sung đủ 4 vị trí việc làm, thay vì chỉ có 2 vị trí việc làm như hiện nay. Cụ thể, ngoài nhân viên văn thư, thủ quỹ, kế toán cần có chức danh, vị trí việc làm cho nhân viên y tế trong các trường mầm non, tiểu học. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như thời gian qua càng cho thấy, vai trò của nhân viên y tế trường học là không thể thiếu. TP Hồ Chí Minh đề xuất, với các trường có đông học sinh, cứ 1.000 học sinh sẽ cần một nhân viên y tế.

Ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa nhắc lại, những năm trước đây, mỗi trường học đều hợp đồng một nhân viên y tế. Nhiệm vụ hằng ngày của đội ngũ này là theo dõi sức khỏe học sinh, kiểm tra vệ sinh an toàn trường học, bếp ăn bán trú; khám sức khỏe định kỳ như: Cân, đo chiều cao, thị lực. Ngoài ra, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ bị tai nạn thương tích, bị cảm sốt, đau đầu, đau bụng…

Nhân viên y tế còn có nhiệm vụ tuyên truyền việc phòng chống dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm; phòng chống ngộ độc thực phẩm; cung cấp kiến thức về dinh dưỡng hợp lý. “Thực tế, nhiều trường học ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường về công tác y tế học đường. Tuy nhiên, việc này chỉ bảo đảm khám sức khỏe định kỳ cho học sinh 2 lần/năm học. Trong khi hầu như trường nào cũng có học sinh ho, sốt, đau bụng, cảm cúm… Do đó, cần có nhân viên chuyên trách để xử lý, sơ cứu kịp thời” – ông Tứ nhấn mạnh.

Theo Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế ở địa phương; 95% cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho công tác y tế trường học. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương, trường học chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Tác giả: Hải Minh

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP