Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước trong khu vực đang chứng kiến sự gia tăng của các nhà hàng ảo, hay còn được gọi là nhà hàng "ma". Chúng không cần mặt bằng để đón khách đến ăn và chỉ giao mang đi.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường giao thức ăn trực tuyến toàn cầu trị giá 95 tỷ USD, tăng trưởng 11% mỗi năm vào năm 2023. Riêng châu Á đã chiếm giá trị 53 tỷ USD, tức hơn 50% nhu cầu thế giới.
Các gia đình châu Á đang miễn cưỡng đi ăn ngoài hơn. Thị trường nhà hàng ở khu vực này tăng 10% mỗi năm, giai đoạn 2006-2016 . Tuy nhiên, theo Cushman-Wakefield, thị trường sẽ giảm 7,5% trong thập kỷ đến 2026.
Một không gian bếp chia sẻ để nhà hàng ảo hoạt động tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei |
Nhà hàng ảo đang khai thác xu hướng này. Tại thị trường giao thức ăn trực tuyến trị giá 37 tỷ USD là Trung Quốc, nhà hàng ảo mọc lên như nấm. Panda Selected là một nhà điều hành "bếp chung" có trụ sở tại Bắc Kinh. Công ty cung cấp không gian chia sẻ chuyên về nấu nướng và được mô tả là "WeWork cho các nhà hàng". Vì nhu cầu quá lớn, công ty đã mở đến 103 bếp chung chỉ trong 3 năm tại Bắc Kinh, Thượng Hải và 2 thành phố lớn khác.
"Bếp chung bùng nổ vì các gia đình Trung Quốc đã quen với việc giao đồ ăn", CEO Li Haipeng nói. Công ty nghiên cứu NPD Group cho biết, 63% người dân Trung Quốc sử dụng các trang web và ứng dụng giao thực phẩm, so với 36% ở Nhật Bản và 27% ở Hàn Quốc.
Các nhà hàng chỉ tồn tại trực tuyến đã trở thành hiện tượng tại New York và Chicago vài năm trước, sau khi các dịch vụ như Uber Eats và GrubHub ra mắt. Bây giờ, xu hướng này đã lan đến các thành phố châu Á.
Li Haipeng tuyên bố nhà hàng ảo tại bếp chung có tỷ suất lợi nhuận trung bình là 20%, so với 10% như các nhà hàng thông thường. Tiềm năng này đã thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Travis Kalanick, nhà sáng lập Uber, đã xem xét đưa liên doanh CloudK Kitchen tại Los Angeles đến Trung Quốc đầu tư.
Thị trường nhà hàng ảo cũng rất sôi nổi tại Ấn Độ. Uber Eats hợp tác với chuỗi Cafe Coffee Day của nước này hồi tháng 10 để ra mắt một mạng lưới các nhà hàng ảo. Phía Uber Eats tận dụng chuyên môn của Cafe Coffee Day trong kinh doanh thực phẩm, cũng như mạng lưới rộng lớn của hơn 1.700 cửa hàng trên khắp Ấn Độ. Ngược lại, họ cung cấp dữ liệu, phân tích và hiểu biết về sở thích của khách hàng.
Một nhà hàng ảo lớn khác tại Ấn Độ là BOX8, được thành lập vào năm 2012, phục vụ hơn 22.000 bữa ăn hàng ngày trên khắp các thành phố như Mumbai, Pune và Bangalore. Ngoài ra, còn có vài cái tên như Curry Me Up, Kadhai House. RedSeer dự kiến thị trường giao đồ ăn trực tuyến của Ấn Độ sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2020, tăng từ 300 triệu USD năm 2016.
Tại Nhật Bản, công ty khởi nghiệp Sentoen có kế hoạch mở bếp chung vào tháng tới tại Meguro (Tokyo). Bốn nhà bếp độc lập sẽ cho 8 nhà hàng ảo thuê. Theo đó, 4 nhà hàng hoạt động vào ban ngày và 4 nhà hàng vào ban đêm, với phí thuê 100.000 đến 150.000 yên (900 đến 1.300 USD) mỗi tháng.
"Chi phí đầu tư ban đầu dưới 500.000 yên, trong khi nếu mở một nhà hàng thật sẽ tốn ít nhất 10 triệu yên", CEO Daisuke Yamaguchi của Sentoen nói. Công ty đã nhận được hơn 30 ứng viên đăng ký thuê.
Theo Japan Finance Corp, hơn 80% những người muốn mở nhà hàng ở Nhật không đủ khả năng tài chính. Tỷ lệ đào thải cũng rất cao, với 55.000 quán ăn bị phá sản mỗi năm. Daisuke Yamaguchi có kế hoạch mở khoảng 100 bếp chung trong 3 năm tới tại Tokyo, Osaka và các nơi khác ở châu Á.
"Nhà hàng 'ma' sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt là ở Nhật Bản. Với sự già hóa dân số, nhiều chủ nhà hàng muốn rút ngắn thời gian hoạt động hoặc phải đóng cửa trong một khoảng thời gian nhất định vì lý do sức khỏe. Thuê không gian của họ sẽ là một cách tuyệt vời để kiếm thêm thu nhập", Akiko Nishimura, nhà sáng lập Nokisaki bình luận. Khác với bếp chung, Nokisaki là một nền tảng internet, cho phép kết nối các nhà hàng thực, muốn tận dụng những lúc không hoạt động để cho các nhà hàng ảo đến thuê bếp.
Tác giả: Phiên An
Nguồn tin: Báo VnExpress