Kinh tế

Người tiêu dùng bị “móc ví” vô lý!

Trong 3 ngày qua, giá thịt lợn bán trên thị trường đã liên tục tăng ở khâu thu mua và giảm mạnh từ 30.000-40.000 đồng/kg ở khâu phân phối, đang là tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với người chăn nuôi mà còn đối với người tiêu dùng.

Ảnh: T.L

Thì ra, bấy lâu nay người tiêu dùng biết bị “móc ví” một cách vô lý và tàn nhẫn, nhưng vẫn cắn răng chấp nhận mà không một động thái phản kháng, không một đơn vị quản lý, hay bất kỳ hiệp hội nào đứng ra bảo vệ người tiêu dùng. Vậy, tại sao người tiêu dùng lại chịu làm “cừu” để con buôn mặc sức “xén lông”?

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội), đó là bởi thói quen “chấp nhận”, và ý thức cho rằng “không phải chuyện của mình”, coi mất vài nghìn mỗi ngày chỉ là chuyện nhỏ. Mỗi ngày chỉ mua 5-7 lạng thịt, có bị ép giá cũng chỉ mất khoảng 10.000 đồng. Mỗi người chỉ bị thiệt 10.000 đồng, nhưng hàng triệu người, số tiền đó nhân lên là bao nhiêu? Một con số không hề nhỏ, hàng trăm tỉ đồng đã rót vào túi để vỗ béo thương lái!

Trong khi đó, nông dân đang khóc ròng bên những sản phẩm đẫm mồ hôi, nước mắt làm ra của mình bị thương lái ép giá bèo bọt, hàng triệu người còn có nguy cơ bị phá sản. Chính vì vậy, đã đến lúc người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: Tuyên chiến với sự ép giá “trên trời”! Nếu tất cả người tiêu dùng đều thay đổi thói quen mua sắm, biết tự bảo vệ cả những đồng tiền lẻ nhỏ bé của mình, thì “con buôn” khó có cơ hội trục lợi. Muốn được như vậy, cần có một tổ chức thực sự vì người tiêu dùng, bảo vệ đến cùng lợi ích của người tiêu dùng. Tổ chức đó không là ai hết, chính là Hội Bảo vệ người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương).

Bộ Công Thương đã lập hẳn trang web giải quyết khiếu nại trực tuyến để người tiêu dùng gửi các ý kiến phản ánh, khiếu nại đến Hội, nhưng tiếc rằng, các hồ sơ nhận được chủ yếu là các vụ kiện về mua bán các phương tiện có giá trị lớn như xe ôtô, xe máy, điện thoại… mà không có bất kỳ phản ánh nào về giá cả bất hợp lý của thị trường, không có bất kỳ thông tin nào đề nghị Bộ Công Thương can thiệp vào thị trường bán lẻ để các mặt hàng sát với giá trị thực tế, mặc cho con buôn tự do hét giá.

Chính chúng ta đã chấp nhận sự vô lý trong rổ giá cả. Điều này có nghĩa là NTD đã “tự nguyện để cho gian thương móc ví” một cách công khai, kéo dài, hợp pháp!

Tác giả: Nam Phong
Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP