Số hóa

Người dùng đang từ bỏ Facebook, Instagram, Twitter để bảo vệ quyền riêng tư

Những lo ngại xung quanh việc rò rỉ dữ liệu đã khiến người dùng lo lắng hơn trong cách thức sử dụng thông tin cá nhân khi online, đặc biệt khi họ tham gia các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter,...

Báo cáo gần đây của Kaspersky “Người dùng có tự “bán khống” quyền riêng tư của họ khi trực tuyến?”, 38% người dùng cho biết sẽ từ bỏ mạng xã hội để bảo vệ quyền riêng tư của họ trên internet. Báo cáo đã chỉ ra vì sao thông tin cá nhân dần trở nên vô cùng quý giá đối với người dùng, nhất là trong thời đại internet đang bùng nổ như hiện nay.

Những mạng xã hội, như Facebook, Instagram hay Twitter, đang cực kỳ phổ biến trong cuộc sống của chúng ta, với số người dùng mạng xã hội chiếm đến 82% (theo báo cáo của Kaspersky).

Để lấy dữ liệu từ người dùng, các nền tảng truyền thông xã hội mang đến cho họ nhiều cơ hội thể hiện bản thân, giao tiếp với bạn bè và gia đình, cũng như tìm hiểu tin tức, khám phá ý tưởng và xu hướng mới mà không cần ra khỏi nhà.

Người dùng đang dần từ bỏ mạng xã hội để bảo vệ dữ liệu cá nhân

Mặc dù được hưởng nhiều lợi ích như vậy, một số người dùng vẫn muốn từ bỏ mạng xã hội nếu việc này giúp họ bảo vệ quyền riêng tư khi trực tuyến.

Điều đó có nghĩa là 12% người dùng sẽ không thể tiếp tục tham gia những trò chơi giải trí như “bạn trông giống người nổi tiếng nào?” hoặc “bữa ăn yêu thích của bạn là gì?”, vì họ phải cung cấp thông tin cá nhân nếu muốn biết câu trả lời.

Ngoài ra, 58% người dùng cũng sẽ không thể đăng nhập hay xác minh tài khoản website muốn truy cập một cách nhanh chóng và tiện lợi chỉ với thao tác sử dụng thông tin đăng nhập mạng xã hội mình đang có.

Đáng chú ý, mặc dù số người sử dụng điện thoại di động tăng 2% so với năm 2018, 19% người dùng sẵn sàng “chào tạm biệt” với thiết bị cầm tay để dữ liệu riêng tư của họ được bảo mật.

Mạng xã hội ngày nay đang ở giai đoạn mà chất lượng trải nghiệm của người dùng tỉ lệ thuận với lượng thông tin cá nhân được chia sẻ - dù đó là thông tin về tài chính, địa điểm, thói quen mua sắm, sở thích ăn uống, hay tình trạng mối quan hệ. Do đó, trong tương lai, có lẽ cảm giác hụt hẫng khi sự riêng tư mãi mãi biến mất sẽ không còn xa lạ đối với người dùng.

Tuy nhiên, giải pháp “biến mất” hoàn toàn trên mạng xã hội vẫn chưa đủ để bảo vệ quyền riêng tư khi trực tuyến, vì việc này là cả một quá trình, chứ không thể được giải quyết chỉ sau thời gian ngắn.

Tác giả: Hải Phong

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP