Nhân ái

Người đàn ông một mình đưa con đi cấp cứu: "Con ơi, ráng về với cha…"

"Con ơi, ráng ngoan, điều trị cho mau khỏe về với cha. Lúc nào cha cũng ở bên cạnh con, đừng sợ nha Nhi" - người cha vừa nói, vừa gục đầu vào bàn tay bé bỏng của con gái.

Hơn 2 tuần qua, anh Ngô Văn Thông (34 tuổi, ấp Tân Hợp, Bàu Hàm, Trảng Bom, Đồng Nai) như sống trong ác mộng. Tết Nguyên đán Quý Mão với nhiều người là mùa xuân an lành, hạnh phúc nhưng với anh Thông là tận cùng nỗi đau, bất lực và xót xa cho số phận của con gái bé bỏng.

Bi kịch ngày 30 Tết

Ngồi trước khu vực phòng bệnh của bé Lý Yến Nhi (7 tuổi), anh Thông cho biết, khoảng 5 tháng nay, bi kịch liên tục giáng xuống đầu anh.

Theo lời kể, tháng 9/2022, vợ anh Thông nói sang nhà người thân chơi rồi bất ngờ biệt tích. Anh cố tìm cách liên hệ nhưng vô vọng. Gọi về quê, anh chỉ nghe gia đình bên ngoại thông báo vợ có về nhà rồi nhưng đi đâu không rõ.

Kể từ đó, người cha phải sống trong cảnh "gà trống nuôi con" với nghề phụ hồ. Vì thu nhập bấp bênh, anh không thể cho con gái đi học. Hai cha con sống tạm ở căn nhà trọ tại huyện Bình Chánh (TPHCM), định bụng ăn Tết xong rồi sẽ tính tiếp.

Người cha khóc nức nở kể lại thời điểm con phát bệnh (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngày 19/1 (tức 28 Tết), bé Yến Nhi đang khỏe mạnh bất ngờ than nhức răng. Nghĩ con chỉ bị bệnh thông thường, người cha ra tiệm mua thuốc cho bé uống. Tối hôm đó, bé bất ngờ lên cơn co giật nặng, sau đó sưng phù bên hàm phải.

Chiều 30 Tết, người cha đưa con lên cơ sở y tế gần nhà khám, khi vẫn chưa mường tượng được chuyện gì xảy ra với con. Tại Bệnh viện huyện Bình Chánh, qua kiểm tra, các bác sĩ nghi ngờ bé đã bị uốn ván nặng, cần chuyển gấp lên tuyến trên điều trị. Lúc này, người cha tá hỏa đưa con đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

TS.BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) cho biết, bệnh nhi Lý Yến Nhi nhập viện trong tình trạng cứng hàm, co giật, không thể ăn uống. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bé được xác định bị uốn ván. Quá trình nhập viện, tình trạng bệnh nhi nhanh chóng chuyển biến xấu hơn, khó thở vì co thắt khí quản.

Các bác sĩ đã mở khí quản, đặt máy thở và dùng nhiều loại thuốc chống co giật, trung hòa độc tố, an thần cho bé. Sau 3 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhi dần ổn định. Tuy nhiên vì thở máy và nằm viện kéo dài, chi phí điều trị đã rất lớn. Theo thống kê của phòng Công tác xã hội, viện phí của bệnh nhi đã lên đến hơn 80 triệu đồng.

Bé Nhi điều trị uốn ván suốt 3 tuần qua, phải đón Tết trong bệnh viện (Ảnh: Hoàng Lê).

"Bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không còn khả năng chi trả nữa. Nếu cai máy thành công, bệnh nhân còn điều trị khoảng 1 tuần nữa, nhưng nếu thất bại thì thời gian nằm viện sẽ kéo dài", bác sĩ Quí nói.

"Đừng sợ nha Nhi"

Theo bác sĩ Quí, trung bình mỗi tháng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em tiếp nhận từ 1-2 ca uốn ván (trung bình 10-20 ca/năm), với viện phí dao động từ 50-100 triệu đồng cho mỗi trường hợp. Trẻ càng lớn thì thuốc dùng càng nhiều, chi phí càng tăng.

Nghe bác sĩ thông báo viện phí, mắt anh Thông đỏ hoe, bởi những ngày qua dù hỏi khắp nơi, anh chỉ vay được vỏn vẹn 3 triệu đồng để đóng tạm ứng viện phí. Trước đó, người đàn ông đã lâm vào cảnh thất nghiệp hơn một tháng, sau khi không còn công trình nào để làm. Số tiền dành dụm ít ỏi anh cũng đã chi tiêu sạch vào các công việc của gia đình.

"Con ơi, ráng ngoan, điều trị cho mau khỏe về với cha. Lúc nào cha cũng ở bên cạnh con, đừng sợ nha Nhi" - người cha vừa nói, vừa gục đầu vào bàn tay bé bỏng của con gái.

Người cha xúc động trong thời điểm được vào thăm con gái (Ảnh: Hoàng Lê).

Nghe thấy những lời cha nói, trên đôi mắt đang nhắm nghiền của bé Yến Nhi, một dòng nước từ từ lăn xuống má...

"Bé bệnh đột ngột quá, giờ em cũng không biết làm sao. Em còn một bé trai mới 5 tuổi, phải gửi về ngoại chăm sóc. Mong mọi người cứu giúp để con em được sống…", anh Thông gửi lời cầu cứu rồi òa khóc, uất nghẹn.

Theo bác sĩ, có những nguyên nhân gây bệnh uốn ván như vết thương do té xe, đạp đinh mà không xử lý phù hợp. Với trường hợp của bé Nhi, trẻ không được chích ngừa và bị viêm nướu răng. Đây là môi trường yếm khí, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây uốn ván phát triển.

Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ xin gửi về:

Anh Ngô Văn Thông

Địa chỉ: Ấp Tân Hợp, Bàu Hàm, Trảng Bom, Đồng Nai (tạm trú: Ấp Long Hưng, Long Thượng, Cần Giuộc, Long An)

SĐT: 0569920362

Tác giả: Hoàng Lê

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP