Xã hội

Người đàn ông bị vỡ tinh hoàn sau khi chơi thể thao

Bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương, vỡ tinh hoàn trái sau khi chơi thể thao.

ThS.BS Nguyễn Cao Thắng, khoa Nam học và Y học Giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa thông tin, bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 39 tuổi ở Hà Nội bị bóng đập vào vùng bìu, dẫn đến đau âm ỉ.

24 giờ sau cơn đau trở nên dữ dội, nam bệnh nhân mới vào viện cấp cứu thì đã xuất hiện các tổ chức hoại tử.

Một ngày trước khi nhập viện, trong quá trình chơi thể thao, bệnh nhân bị bóng đập vào vùng bìu. Sau tai nạn, người đàn ông có biểu hiện đau tức âm ỉ vùng bìu trái nhưng không đi khám mà theo dõi ở nhà.

(Ảnh minh họa)

Sáng hôm sau, người đàn ông này đau tăng dần vùng bìu trái, đau dữ dội, lan lên vùng bẹn cùng bên. Chiều cùng ngày, anh được đưa vào khu cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau dữ dội vùng bìu. Kiểm tra sơ bộ, bác sĩ nhận thấy vùng bìu trái của bệnh nhân bầm tím và sưng nề nhiều.

Sau khi đánh giá tình trạng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương, vỡ tinh hoàn trái sau tai nạn sinh hoạt.

Sau khi hội chẩn cùng ekip gây mê, các bác sĩ khoa Nam học và Y học Giới tính đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật lấy máu tụ, dẫn lưu, cắt lọc tổ chức hoại tử, bảo tồn tinh hoàn trái. Do thời gian từ khi có chấn thương tới khi phẫu thuật gần 24 tiếng nên phần lớn tổ chức tinh hoàn dính nhiều gây khó khăn cho cuộc mổ.

Tuy nhiên, sau gần một giờ đồng hồ phẫu thuật, tinh hoàn được bảo tồn thành công. Bệnh nhân được chuyển về buồng bệnh khoa Nam học và Y học giới tính để theo dõi và điều trị tiếp.

Theo BS Thắng, thương tích của bìu và tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở lứa tuổi lao động 15-40 tuổi, trong đó chấn thương chiếm phần lớn. Chỉ định bảo tồn tinh hoàn được đưa ra trong đa số các trường hợp, cắt bỏ tinh hoàn được đặt ra khi tinh hoàn vỡ nát hoàn toàn không khâu lại được.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi gặp các chấn thương vùng kín, mọi người cần đi khám sớm. Khi chơi những bộ môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng bầu dục, cầu lông… nam giới cũng cần trang bị đồ bảo hộ để bảo vệ "cậu nhỏ" của mình, tránh những chấn thương đáng tiếc.

Khi bị chấn thương hoặc có các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến ngay cơ sở chuyên khoa uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.

Trẻ em cần làm gì để phòng ngừa chấn thương thể thao?

Để bảo vệ trẻ em khỏi chấn thương khi chơi thể thao, các bác sĩ lưu ý cha mẹ cần hướng dẫn con một số điều sau:

- Trước khi cho trẻ em tham gia chơi bất kỳ môn thể thao nào, trẻ em nên được biết các quy tắc chung của trò chơi và cách giữ an toàn cho mình cũng như người chơi.

- Trẻ em cần phải được trang bị dụng cụ thể thao có kích thước phù hợp, vừa vặn, đảm bảo an toàn.

- Cha mẹ nên kiểm tra vị trí trẻ chơi để đảm bảo rằng các sân chơi không có nhiều lỗ và rãnh có thể khiến trẻ em bị vấp ngã.

- Khi tham gia các môn thể thao đồng đội, trẻ em phải được giám sát bởi những người đủ tiêu chuẩn chuyên môn…

Tác giả: Diệu Thu

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP