Ở thị xã Thái Hòa cũng từng tồn tại thủ phủ của phủ Quỳ Châu xưa, từ cái thuở mà ranh giới của phủ còn bao trùm cả huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa ngày nay, cùng các thổ quan họ Sầm người Thái bản địa chỉ có ảnh hưởng ở địa vực miền núi từ huyện Quỳ Hợp trở lên khu vực biên giới. Ngày nay, khu vực Chợ Bảy bên cầu Hiếu mà theo nhà nghiên cứu Lương Viết Thoại ở xã Châu Quang (Quỳ Hợp) thì là nơi đứng chân của trụ sở phủ Quỳ Châu.
Đền Bàu Sen. Ảnh: Đào Thọ |
Thế nhưng, dù có cố công đến mấy, chúng tôi cũng không còn tìm được dấu tích của phủ lỵ xưa. Trong ký ức những vị cao niên chủ yếu là người miền xuôi lên lập nghiệp từ những năm 1960 ở làng Lụi, xã Nghĩa Mỹ thì thuở ấy đất này khá hoang vu, minh chứng là gần thị xã ngày nay vẫn còn những cánh rừng đại ngàn. Bước chân điền dã đưa chúng tôi đến vùng Bàu Sen, thuộc phường Hòa Hiếu.
Ở cạnh bàu nước có hình dạng như một khúc sông này, chúng tôi gặp một ngôi đền có tầm vóc nhỏ bé, khuôn viên chỉ ngót vài trăm mét vuông dường như là nét cổ kính duy nhất còn sót lại ở nội đô của thị xã trẻ 11 năm tuổi này. Ngôi đền nép mình khiêm tốn dưới một cây sung cổ thụ cạnh mặt hồ. Bên ngoài là tấm biển ghi “Đền Bàu Sen”, mà theo những cán bộ văn hóa địa phương thì đây là điểm sinh hoạt tâm linh ưa thích của cư dân thị xã nên quanh năm nghi ngút khói nhang. Vào đầu tháng và ngày Rằm, cư dân địa phương rủ nhau đi lễ. Đó cũng là những dịp ngôi đền nhỏ nhộn nhịp nhất, ngày thường, nơi đây khá vắng lặng và hầu như chỉ có người thủ từ già luôn túc trực coi sóc.
Điện thờ của ngôi đền. Ảnh: Đào Thọ |
Thủ từ đền Bàu Sen - bà Vũ Thị Bình năm nay đã bước sang tuổi 68, là giáo viên nghỉ hưu. Bà Bình cho biết, đền Bàu Sen thờ Thánh Mẫu đệ tam và gắn với một huyền tích cổ xưa kể rằng nơi đây từng có làng mạc sầm uất lắm. Người ta trồng màu, cấy lúa ven sông. Một ngày nọ, trong vùng chợt xuất hiện con trâu trắng vốn dĩ là con Vua Thủy Tề hóa thành đến phá hoại hoa màu. Bao nhiêu lúa, ngô đang tươi tốt đều bị nó chén sạch.
Người dân sau khi bỏ ra nhiều công sức cuối cùng cũng tóm được trâu trắng đem nhốt lại. Dù đã thông báo khắp làng trên, xóm dưới nhưng cũng chẳng ai đến nhận, trong khi đem bao nhiêu cỏ nó cũng ăn hết. Phải nuôi con trâu ăn khỏe như “ném rau cỏ xuống sông” trong một thời gian dài, ai nấy đều tỏ ra rất đỗi bực mình. Cuối cùng, người ta bàn đem thịt con trâu chia cho dân làng, nhưng có mẹ con bà góa sống ven cái hồ lớn thì không nhận thịt.
Đêm đến, người mẹ được báo mộng là làng sắp có họa lớn, nếu muốn sống sót thì hãy rời đi. Sáng dậy, bà đi khắp xóm loan tin nhưng chẳng ai tin. Vì sợ họa xảy đến với con gái nên bà đã dắt con trốn đi. Chưa được bao xa thì có tiếng nổ long trời, lở đất. Ngoảnh mặt lại, mẹ con bà lão không còn thấy làng mạc đâu nữa. Tất cả đã chìm nghỉm dưới hồ.
Bức cuốn thư “Thị thanh không”. Ảnh: Đào Thọ |
Biết là làng xóm đã bị thần linh trừng phạt, bà lão dắt con gái trở về dựng lại nhà và lập đền thờ những người xấu số. Thế nhưng, tâm can bà lão vẫn luôn nhớ về dân làng. Nỗi ám ảnh về cái chết của cư dân làng khiến tâm trí bà không một ngày yên ổn, cho đến ngày nọ, bà gieo mình xuống hồ tự vẫn. Không lâu sau, khắp mặt hồ mọc đầy hoa sen. Đó là cách lý giải của cư dân địa phương về cái tên Bàu Sen, cứ vào mỗi độ hè sang lại nhuộm thắm mặt hồ, tỏa hương thơm ngát. Những đóa sen là sự hóa thân của bà lão tình nghĩa thuở nào.
Trước điện thờ là bức cuốn thư cổ với 3 hán tự “Thị thanh không”. Theo nhà nghiên cứu Trương Đức Quả từng công tác tại Viện Hán Nôm Việt Nam thì những ký tự như vậy khá là hiếm gặp tại những ngôi đền thờ trong nước. Còn theo anh Trần Mạnh Cường - cán bộ Hán Nôm công tác tại Thư viện tỉnh Nghệ An thì “Thị thanh không” là một điển tích trong Phật giáo Thiền Tông. “Thị thanh không” có khi gọi là thanh không như huyễn. Phật pháp quan niệm rằng đạo lý tối thượng là pháp môn rỗng lặng, hư vô.
Ngói cổ lợp mái đền. Ảnh: Đào Thọ |
Phía trong điện thờ nhỏ còn một tấm biển gỗ ghi “Tối linh từ”. Theo nhà nghiên cứu Trương Đức Quả thì đây không phải tên ngôi đền mà chỉ nói lên rằng đền này rất đỗi linh thiêng. Ngoài ra, ở ngoài đền còn có một bia đá cao hơn 1m. Tuy nhiên, phần chữ Hán khắc trên bia không còn nhìn rõ do tác động của năm tháng, mưa nắng...
Trong khi tham quan ngôi đền, người thủ từ chỉ cho chúng tôi xem những viên ngói cổ lợp mái đền với kích thước lớn hơn hẳn ngói sản xuất tại địa phương. Mỗi viên ngói đều khắc dòng chữ "marseillaise - acier". Đây là loại ngói có xuất xứ từ thành phố Marseille (Pháp). Từ cuối thế kỷ XIX, loại ngói này đã được người Pháp vận chuyển về Việt Nam lợp mái đền thờ Đức Bà Sài Gòn. Loại ngói này cũng được tìm thấy tại một số ngôi nhà cổ theo kiến trúc người Pháp ở tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi đồ rằng, có thể sau khi được dùng lợp mái nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, loại ngói này tiếp tục được vận chuyển từ Pháp về xây dựng nên nhiều công trình ở Việt Nam vào thời Pháp thuộc, trong đó có đền Bàu Sen.
Apple Store tại 'kỳ quan sân bay' Changi có gì hấp dẫn?
Tác giả: Hữu Vi - Đào Thọ
Nguồn tin: Báo Nghệ An