Nicky Kim không ứng tuyển làm người mẫu chuyên nghiệp. Nhưng ngoài thông tin về học vấn và kỹ năng chuyên môn, công ty mà Kim đang xin vào làm việc yêu cầu cô nộp một bức ảnh chụp cận cảnh khuôn mặt.
Cô gái 24 tuổi mới chuyển về Hàn Quốc sinh sống sau một thời gian dài học tập ở Anh không chút đắn đo đã gửi ảnh chụp chân dung trên hộ chiếu. Vào ngày phỏng vấn, cô đã gặp cú sốc văn hóa đầu tiên kể từ ngày về quê hương khi nhà tuyển dụng tỏ ra cực kỳ bối rối và hỏi "Tại sao cô lại chọn bức ảnh này?", ám chỉ trông cô trong bức hình không hấp dẫn và xinh đẹp.
Trường hợp của Kim chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy thái độ phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình ngày càng phổ biến ở công sở Hàn Quốc.
"Khác với phương Tây, người Hàn Quốc coi trọng những thứ như quần áo, tác phong và ngoại hình. Nói chung, chúng tôi không quan tâm xem bạn nghĩ gì về bản thân. Suy nghĩ của người khác về bạn mới là điều quan trọng", một giáo sư tâm lý học tại Đại học Yonsei Seoul cho biết.
Một khảo sát do trang web tuyển dụng Incruit tiến hành cho thấy 60% trong số 900 doanh nghiệp được hỏi thừa nhận họ yêu cầu các ứng viên nộp ảnh chụp chân dung kèm hồ sơ xin việc.
Còn tổ chức về nhân quyền ở Hàn Quốc vừa công bố một nghiên cứu dựa trên 3.500 thông báo tuyển dụng cho thấy hầu hết các công ty, cơ quan nhà nước và các tập đoàn ở nước này hỏi các ứng viên những câu hỏi "kỳ thị" về tuổi tác, cân nặng, chiều cao, tình trạng hôn nhân và lý lịch nghĩa vụ quân sự. Nhiều công ty công khai không chấp nhận những người có hình xăm hoặc để râu.
Một quảng cáo tuyển dụng gần đây đã thu hút sự chú ý của công chúng Hàn Quốc khi đưa ra yêu cầu cụ thể về số đo vòng một của các ứng viên nữ bên cạnh tiêu chuẩn "mắt hai mí" và "mũi cao".
Thậm chí, Bộ Việc làm và Lao động đưa ra lời khuyên trên mạng xã hội Twitter rằng phẫu thuật thẩm mỹ sẽ giúp nâng cao khả năng xin được việc làm. Sau đó vài giờ, phát ngôn này đã bị gỡ xuống.
Thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt khiến thanh niên Hàn Quốc tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện ngoại hình nhằm nâng cao cơ hội xin việc. Các bậc phụ huynh đồng tình, thậm chí khuyến khích điều đó.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc phẫu thuật thẩm mỹ cho tới khi bố mẹ nói rằng xinh đẹp là một lợi thế lớn đối với mọi cô gái. Ví dụ, khi phỏng vấn xin việc, trong hai người phụ nữ có trình độ chuyên môn như nhau, dĩ nhiên người có ngoại hình vượt trội hơn sẽ được lựa chọn", sinh viên Ahn cho biết.
"Tôi nghĩ thật không công bằng khi người sử dụng lao động đánh giá năng lực của một ai đó dựa trên vẻ ngoài và những yếu tố chẳng liên quan gì đến hiệu quả công việc", theo Yoon-ha Cha, 21 tuổi, sinh viên chuyên ngành kinh tế tại trường đại học danh tiếng Yonsei. Dẫu vậy, Cha vẫn đều đặn hàng tuần tới các trung tâm chăm sóc da mặt với mục đích cuối cùng là có làn da mặt căng bóng, có thể giúp cô dễ tìm việc hơn.
Các dịch vụ chụp ảnh chân dung cũng nở rộ ở Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu của người đi xin việc. Công ty Newface Studio, mở trụ sở chính gần trường Đại học Nữ Sungshin ở thủ đô Seoul, chuyên cung cấp dịch vụ trang điểm và tư vấn phong cách ăn mặc cho các những người kiếm việc làm. Công ty này còn có hẳn một đội ngũ chuyên viên da liễu xử lý khiếm khuyết trên khuôn mặt như mụn, vết thâm hoặc sẹo. Với 12 nhân viên toàn thời gian, Newface Studio cho biết họ làm ăn phát đạt nhất vào mùa tuyển dụng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 10.
"Nếu có cấm các công ty yêu cầu ứng viên nộp ảnh thì cũng không ngăn được họ tuyển nhân viên dựa trên ngoại hình, họ có thể làm việc đó thông qua phỏng vấn", Kim Kwang Min, giám đốc Newface Studio, nhận xét.
Nicky Kim đã tới một hiệu chụp ảnh chuyên nghiệp để chỉnh sửa lại các đường nét trên khuôn mặt. "Trong ảnh, trông tôi thật xinh đẹp", Kim nói. "Thật buồn cười, nếu so sánh ảnh tôi chụp ở Anh và ảnh chụp tôi ở Hàn Quốc, bạn sẽ tưởng đây là hai con người hoàn toàn khác nhau".
Bức ảnh chân dung qua chỉnh sửa đã giúp Kim được mời tới các buổi phỏng vấn nhiều hơn, thậm chí cuối cùng cô còn nhận được công việc làm phát thanh viên của một chương trình bằng tiếng Anh.
Nhưng sau hai năm sống ở Hàn Quốc, Kim quyết định quay lại Anh vì không chịu được môi trường làm việc khắc nghiệt ở xứ sở kim chi.
"Tôi đưa ra quyết định như vậy sau khi gặp nhiều phụ nữ Hàn Quốc dù thông minh, hấp dẫn, trẻ trung và thành công nhưng trong thâm tâm chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc", cô nói.
Tác giả bài viết: An Hồng
Nguồn tin: