Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các đại biểu tham dự buổi lễ. |
Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; đại điện lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương, Quân khu 4, tỉnh Nghệ An cùng các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo người dân...
Lễ công bố 555 năm danh xưng Thanh Chương (1469-2024) và Kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống của Đảng bộ, nhân dân huyện Thanh Chương (1/9/1930-1/9/2024). (Ảnh: Anh Dũng) |
Thanh Chương là vùng đất cổ, có từ lâu đời. Cách đây hơn hai vạn năm, tại Đồi Dùng, Đồi Rạng đã có người Việt sinh sống thuộc nền văn hóa Sơn Vi. Vùng đất này từng có tên gọi là Hàm Hoan, tiếp đó là Cửu Đức, rồi Thổ Du. Đến thời hậu Lê, đất nước thái bình, thịnh trị, năm 1469, vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, đặt tên huyện là Thanh Chương.
Ngay sau khi thành lập năm 1930, Đảng bộ Thanh Chương đã phát động quần chúng đấu tranh quyết liệt trong cao trào cách mạng 1930-1931, cuộc biểu tình lịch sử của hơn 2 vạn nông dân Thanh Chương tạo khí thế rung trời chuyển đất, được đánh giá “chưa từng thấy có ở An Nam bao giờ”.
Thanh Chương là nơi đầu tiên trong cả nước hình thành các Xô Viết ở xã, thôn, giành quyền làm chủ xã hội cho nông dân trong một thời gian dài.
Qua các cuộc kháng chiến giữ nước, Thanh Chương là mảnh đất kiên cường trong chiến đấu, là hậu cứ thủy chung, son sắt với cách mạng “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Dù phải lấp Rào Gang, san Rú Nguộc vẫn đảm bảo cho xe ta ra tiền tuyến”.
Đông đảo đại biểu và người dân trong vùng tham dự buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã nhấn mạnh: Huyện Thanh Chương hôm nay đã có những đổi thay to lớn. Kinh tế tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 3,4%; từ huyện giao thông tứ tắc, nay đã có 6 quốc lộ đi qua, 36 bến đò ngang đã được thay thế bằng những chiếc cầu nối những bờ vui; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã nông thôn mới nâng cao, xã Thanh Lĩnh đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Thị trấn Thanh Chương đạt chuẩn đô thị văn minh.
Thanh Chương ngày nay đang mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển như: Đất đai rộng lớn, cơ sở hạ tầng sau nhiều nhiệm kỳ được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ. Huyện có nguồn nhân lực dồi dào, diện tích rừng lớn, có tiềm năng phát triển du lịch gắn chặt với hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; khơi dậy trầm tích văn hoá nhiều tầng để tiếp tục vươn xa.
Trong tương lai có đường cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn chạy qua và cửa khẩu Thanh Thủy được thông thương sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phát biểu tại sự kiện, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu chia sẻ những cảm nhận, đánh giá trân trọng về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của Thanh Chương, “vùng đất cổ xưa, nhân thuần, vật hậu”; đồng thời nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Chương đã đạt được trong những năm qua.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu tin rằng: Với những yếu tố lịch sử, văn hóa nổi trội đó, cùng những thời cơ thuận lợi đang có được, Thanh Chương hội tụ đầy đủ điều kiện để vững vàng đi lên trên nền tảng nội lực của chính mình.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị, trong thời gian tới, huyện Thanh Chương tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng chuyển đổi số nhanh cả trên ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Thực hiện tốt việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã gắn với giải quyết cán bộ dôi dư đảm bảo đúng quy định.
Đồng thời với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, vì vậy huyện Thanh Chương cần tích cực chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường liên kết và hình thành những chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao góp phần xây dựng nền Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Huyện cần tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, gắn với khai thác tiềm năng du lịch của quê hương.
Đặc biệt, phát huy lợi thế huyện có 53km đường Hồ Chí Minh chạy qua để quy hoạch, xây dựng phát triển hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh trong quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết 39NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chương trình nghệ thuật “555 năm đất và người Thanh Chương”. (Ảnh: Dũng Nghệ) |
Ngay sau phần lễ là Chương trình nghệ thuật “555 năm đất và người Thanh Chương” có sự tham gia của hàng trăm diễn viên đã tái hiện lại chặng đường hình thành, xây dựng và phát triển của vùng đất Thanh Chương, ca ngợi những danh nhân lịch sử, góp phần bồi đắp giá trị văn hóa truyền thống quê hương.
Đồng thời, khẳng định những đóng góp quan trọng của vùng đất Thanh Chương trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, nhất là trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Từ đó, thể hiện khát vọng và niềm tin về cuộc sống tương lai rực rỡ, tươi đẹp.
Trước đó, Ban tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử, văn hóa 555 năm danh xưng (1469-2024) và 94 năm Ngày truyền thống Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Chương (1/9/1930-1/9/2024) đã trao thưởng cho 6 tập thể (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba) và 24 cá nhân (4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba).
Cuộc thi được phát động vào ngày 6/5/2024 và sau 4 tuần dự thi, đã thu hút được hơn 1,7 triệu lượt cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tham gia tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của huyện Thanh Chương.
Tại sự kiện, với tinh thần tương thân, tương ái, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã ủng hộ tổng số tiền 5,2 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện.
Ngân hàng Agribank tài trợ 3 tỷ đồng cho xây dựng nhà ở cho người nghèo Thanh Chương. |
Thực hiện Chỉ thị 21 ngày 10/2/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở”, huyện Thanh Chương đã nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài huyện; qua đó hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 381 căn nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 19,04 tỷ đồng.
Được biết, Ban tổ chức Lễ công bố 555 năm danh xưng Thanh Chương không tổ chức bắn pháo hoa chào mừng; kinh phí xã hội hóa cho việc bắn pháo hoa từ Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của huyện được sử dụng để xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở và các hoạt động an sinh xã hội.
Tác giả: THÀNH CHÂU - ĐÌNH PHƯỢNG
Nguồn tin: nhandan.vn