Hoạt động trái phép…công khai
Thời gian gần đây, Pháp luật Plus tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân ở thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) về hoạt động sản xuất gỗ bóc trái phép tại nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An. Theo đó, thay vì hoạt động sản xuất tinh bột sắn theo giấy phép, đơn vị này đã cho phép một cá nhân vào dựng máy móc để sản xuất gỗ bóc.
Việc sản xuất gỗ bóc trái phép diễn ra công khai nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An. |
Theo anh N - người dân thị trấn Thanh Chương, cho biết: “Thấy họ làm đó khá lâu rồi, tầm 3-4 tháng rồi đó. Theo tôi được biết thì đây là nhà máy sản xuất tinh bột sắn, giờ lại lại gỗ ép. Như vậy là trái quy định. Chưa kể là mất an toàn, nguy cơ cháy nổ dễ xảy ra…”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc tổ chức sản xuất gỗ ép tại nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An diễn ra hơn 3 tháng nay. Đây là kết quả của sự đồng thuận giữa lãnh đạo nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An với một cá nhân có nhu cầu mượn mặt bằng khu vực sản xuất tinh bột sắn để làm gỗ bóc trong thời gian nhàn rỗi của nhà máy tinh bột sắn.
Quan sát khu vực sân nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An và khu vực giáp ranh với nhà máy là vô số ván gỗ ép được đơn vị này tập kết dày đặc. Điều đáng nói là khu vực tập kết nằm sát ngay tuyến đường huyết mạch nối liền huyện Thanh Chương với xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.
Thế nhưng, khi nhận được phản ánh của phóng viên, lãnh đạo các phòng ban, UBND huyện Thanh Chương - Nghệ An đều bất ngờ trước hoạt động trái phép này.
Sẽ đình chỉ hoạt động?
Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết ông chưa nhận được thông tin phản ánh cũng như báo cáo từ các phòng quản lý.
Ngay sau đó, ông liền liên hệ qua điện thoại với các phòng: Kinh tế hạ tầng, Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo UBND thị trấn Thanh Chương - địa bàn hoạt động của nhà máy yêu cầu sắp xếp lịch vào kiểm tra cụ thể.
Vừa qua, xác nhận với phóng viên từ Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Hữu Hiền cho biết: Có tình trạng sản xuất gỗ bóc tại nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An. Theo lý giải của lãnh đạo nhà máy, tranh thủ lúc nhàn rỗi không sản xuất tinh bột sắn nên cho một cá nhân thuê mặt bằng lắp đặt máy móc để sản xuất gỗ ép tầm 3-4 tháng.
Việc sản xuất gỗ ép trong nhà máy tinh bột sắn là trái quy định. Hiện tôi đang giao cho các phòng bổ sung hồ sơ để có quyết định đình chỉ hoạt động - ông Hiền khẳng định.
Được biết, Nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An thuộc Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam. Nhà máy có địa chỉ tại xã Thanh Ngọc (nay là thị trấn Thanh Chương), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Người đại diện pháp luật là ông Trần Quốc Hoàn.
Theo thông tin chúng tôi có được, sau hai năm xây dựng năm 2003, nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An chính thức đi vào hoạt động. Mục đích hoạt động của nhà máy là sản xuất tinh bột sắn xuất khẩu. Từ khi hoạt động đến đầu năm 2021, nhà máy chỉ hoạt động sản xuất duy nhất sản phẩm từ sẵn.
Trong một diễn biến khác, theo nguồn tin riêng của Pháp luật Plus, vừa qua lãnh đạo nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An đã tự thuê nhà thầu nâng công suất trạm biến áp tại nhà máy từ 320 KVA lên 560 KVA với mục đích đáp ứng sản xuất gỗ ép?
Được biết, cuối tháng 3/2021, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Chương đã có văn bản phúc đáp về việc: “Chưa xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường”. Trước đó, Chủ đầu tư nhà máy sản xuất tinh bột sắn Intimex đã gửi hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án Dây chuyền chế bến gỗ rừng trồng tại nhà máy sản xuất tinh bột sắn này.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Một số hình ảnh do phóng viên Pháp luật Plus ghi nhận tại Nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An:
Khu vực cổng chính vào nhà máy tinh bột sắn Intimex thành sân phơi gỗ bóc. |
Gỗ bóc được tập kết trước khu nhà hành chính nhà máy tinh bột sắn Intimex. |
Gỗ bóc được tập kết trước khu nhà hành chính nhà máy tinh bột sắn Intimex. |
Sản phẩm gỗ bóc được phơi ngay hành lang đường phía trước nhà máy tinh bột sắn Intimex |
Tác giả: Nguyễn Nam
Nguồn tin: Pháp Luật Plus