Kinh tế

Nghệ An: Nông dân bám nghề "ăn cơm đứng" cho thu nhập khá và ổn định

Nhờ bám nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, nhiều hộ nông dân ở xã Diễn Kim có thu nhập khá và ổn định, cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa.

Năm 2001, làng trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt đũi ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An được công nhận là làng nghề. Với nghề này mặc dù vất vả nhưng cũng mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Theo bà Bùi Thị Thủy, 50 tuổi, trú tại xã Diễn Kim, một vụ nuôi tằm kéo dài 20-30 ngày tùy thuộc thời tiết, bán xong kén thì vào vụ mới. “Mỗi lứa tôi nuôi 3 vòng tằm (3 tấm trứng tằm). Tổng chi phí hết 300.000đồng. Nhà có ba lao động chính tập trung hái dâu nuôi tằm. Càng lớn, sức ăn của tằm càng mạnh, đặc biệt ở giai đoạn 5 tuổi. Loài tằm rất khó nuôi và nhạy cảm với thời tiết. Nếu gặp mưa gió, tằm dễ chết và kén hỏng nhiều. Thời tiết nóng quá tằm cũng khó phát triển. Nhiều gia đình phải lắp điều hoà cho tằm vào mùa hè”, bà Thuỷ cho biết.

Người phụ nữ này cho biết, trung bình 3 nong tằm sẽ cho 40-50kg kén, với giá hiện tại 140.000 đồng/kg, gia đình bà có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/20 ngày.

Sau khi tằm chín người dân sẽ đưa lên né để đóng kén. Né được đan bằng tre, cao khoảng 3 m, rộng 2,5m, có những lỗ vuông. Đây là giai đoạn quan trọng nhất của sản xuất tơ tằm. Tằm sẽ nhả tơ trong vòng 3-8 ngày. Bà Nguyễn Thị Thu, trú ở xã Diễn Kim cho biết: "Lứa vừa rồi, gia đình tôi nuôi 5 vòng tằm, thu hoạch trên 80kg kén, bán được khoảng 10 triệu đồng/20 ngày. Mặc dù thu nhập cao hơn trồng lúa rất nhiều nhưng công việc này khá vất vả, còn tằm cũng khó nuôi và nhạy cảm với thời tiết”, bà Thu chia sẻ.

Kén sau khi thu mua, sẽ được luộc trên nồi nước sôi, người luộc phải dùng đũa liên tục đảo để lấy mối tơ. Gia đình bà Bùi Thị Lệ là một trong những cơ sở thu mua kén và ươm tơ lớn nhất xã. Cơ sở của bà thu mua kén khoảng 20 hộ dân trên địa bàn xã.

Kén sau khi lấy mối tơ được đưa lên một khung chứa đầy nước với nhiệt độ ổn định ở mức 80 độ C để kéo sợi. Cứ 10 sợi kén được kéo thành 1 sợi tơ. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất của bà Lệ tiêu thụ 1 tạ kén, kéo được hơn 1 yến sợi.

Đặc biệt ở giai đoạn này, người thợ phải túc trực để "bắt mối" sợi lên máy và nhanh tay, nhanh mắt để phát hiện sợi tơ bị đứt để nối lại.

Gia đình bà Lệ thuê 4 lao động ở địa phương để làm công đoạn ươm tơ, kéo sợi. Ngoài được bao ăn uống, mỗi lao động được trả 300.000đồng tiền công/ngày.

Một tháng các cơ sở ở xã Diễn Kim bán khoảng 200-300kg sợi tơ. Được biết, trừ các chi phí thuê lao động, nguyên liệu, mỗi cơ sở lời khoảng vài chục triệu đồng/tháng.

Công đoạn cuối cùng là cuộn tơ, sau đó tơ sẽ được đem phơi nắng vài ngày trước khi đóng gói xuất xưởng. Hiện tơ loại 1 giá 1,2 triệu đồng/ kg, thấp nhất là 800.000 đồng/kg. Tơ được nhập cho các công ty dệt lụa, gấm, thảm ở trong nước hoặc xuất khẩu sang Ấn Độ, Indonesia.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ dâu tằm tơ và nông nghiệp Diễn Kim cho biết, so với trồng lúa và sản xuất các loại nông sản khác thì trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt đũi có thu nhập cao và ổn định hơn. Mỗi năm nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt đũi mang lại tổng thu nhập 4 tỷ đồng cho người dân ở xã. Tuy nhiên, hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đang đứng trước thực trạng khó mở rộng do diện tích trồng dâu ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng lớn đền nguồn cung ứng kén cho các cơ sở ươm tơ.

Tác giả: Minh Tâm - Hà Hằng

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP