Pháp luật

Nghệ An: Nghi án mắc “bẫy lừa” xuất khẩu lao động theo hình thức du học

Với mong muốn con mình được đi xuất khẩu lao động theo diện du học, nhiều nông dân tại hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phải cầm cố sổ đỏ...

san hoc bong han quoc 0848
Hình minh họa.

Vì “giấc mơ” con đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo diện du học, nhiều nông dân tại hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phải cầm cố sổ đỏ, vay mượn bạn bè, ngân hàng để đóng tiền cọc. Kết cục con không được đi du học, công ty chưa hoàn trả lại tiền cọc, tiền lãi người dân hàng tháng vẫn phải nai lưng trả...

Công ty “lừng khừng” không trả tiền cọc

Theo tố cáo, được người quen “mách nước” Cty CP Quốc tế CHANGMI (Cty CHANGMI) có thể môi giới đi XKLĐ theo hình thức du học tại Hàn Quốc, nhiều người dân đã đến tìm hiểu.

Sau khi được chào mời đi XKLĐ mức lương cao, thu nhập ổn định, nhiều người đã ký hợp đồng với Cty CHANGMI. Sau khi đóng tiền cọc, thời gian đi học tiếng, công ty bảo về nhà chờ để làm thủ tục xuất cảnh.

Chờ đợi mãi, người dân đến hỏi thì công ty liên tục bảo chờ và lấy lý do này nọ… sau đó Cty CHANGMI đã làm biên bản thanh lý hợp đồng, nhưng không trả lại tiền mà lại hẹn thanh toán từng đợt.

Tuy nhiên, rất ít người được thanh toán đủ, người 10 triệu — 20 triệu hoặc 30 triệu, số tiền còn lại hẹn nhưng không thấy trả. Bức xúc, người dân đã làm đơn tố cáo sự việc lên cơ quan công an cho rằng Cty CHANGMI lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo ông Trần Xuân Cát (SN 1962, trú tại xã Xuân Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)m vào tháng 11/2014, con trai ông là Trần Văn Huy nộp đơn đăng ký đi du học sang Hàn Quốc, sau đó ký hợp đồng với Cty CHANGMI và phải nộp 3 lần tiền với tổng số tiền 140 triệu đồng.

Theo hợp đồng, nếu công ty không đưa được anh Huy đi du học thì Cty CHANGMI có trách nhiệm trả lại tiền đã nộp. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi vẫn không được đi du học như lời hứa, gia đình đã lên công ty để xin rút lại tiền nhưng không được.

Sau nhiều lần tìm gặp, Cty CHANGMI đã ký biên bản thanh lý hợp đồng với nội dung “Đến ngày 18/8/2015 sẽ thanh toán hết số tiền đã nộp”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại gia đình ông Cát mới nhận được 60 triệu đồng sau 3 lần thanh toán.

Số tiền còn lại 80 triệu, phía Cty CHANGMI vẫn khất lên khất xuống. “Gia đình tôi đã cầm sổ đỏ vay ngân hàng để nộp cho công ty đúng hẹn. Giờ phải vay nóng để đáo hạn nợ và nai lưng trả lãi ngân hàng. Con trai sau thời gian chờ đợi cũng đã phải xin đi làm công nhân để kiếm tiền trang trải, chỉ mong họ sớm trả lại tiền để chúng tôi trả nợ ngân hàng không thì mất nhà, mất đất…”, ông Cát nói.



Còn có một số trường hợp tương tự như thế tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh) huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương…(Nghệ An). Ông Trần Xuân Trình (thị trấn Thanh Chương) ký hợp đồng cho con trai là Trần Văn Hùng với Cty CHANGMI để đi du học, sau khi đóng đủ số tiền 150 triệu, nhưng mãi vẫn không được xuất ngoại.

Sau nhiều lần bỏ việc đồng áng để đòi tiền thì được thanh lí hợp đồng và trả 50 triệu đồng, số còn lại đến nay vẫn chưa thấy đâu. Hoặc trường hợp anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1991, trú tại xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên), tháng 9/2014, đăng ký học, làm hợp đồng và đóng 120 triệu đồng làm thủ tục, đến nay đã thanh lý hợp đồng nhưng tiền cọc cũng không thấy đâu…

Thanh lý hợp đồng nhưng… chưa trả tiền

Được biết, Cty CP Quốc tế CHANGMI được Sở KH&ĐT Nghệ An cấp Giấy phép kinh doanh lần 1 vào ngày 2/5/2012, thay đổi lần 4 ngày 6/2/2015 và Sở GĐ&ĐT Nghệ An cấp Giấy phép hoạt động du học số 2564 ngày 12/12/2012.

Ngày 25/3/2016, Sở này đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn du học đối với Cty CHANGMI và 6 tổ chức khác do dừng hoạt động trên 6 tháng liên tục kể từ ngày được cấp phép hoạt động mà không thông báo với cơ quan cấp chứng nhận đăng ký hoạt động; không đảm bảo các điều kiện để tổ chức hoạt động dịch vụ tư vấn du học.

Qua quá trình điều tra, CQĐT xác định: sau khi không thực hiện được theo đúng nội dung hợp đồng ký kết thì phía Cty CHANGMI đã đứng ra nhận trách nhiệm, ký thanh lý hợp đồng và cam kết hoàn trả 100% số tiền đã thu từ khách hàng.

CQĐT xác định không có dấu hiệu của tội phạm hình sự mà chỉ là tranh chấp trong giao dịch dân sự, đồng thời hướng dẫn công dân làm đơn khởi kiện đến TAND để giải quyết theo quy định. Theo ông Nguyễn Quang Anh - Giám đốc Cty CHANGMI, nguyên nhân trục trặc khi phỏng vấn tại đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội không đạt nên đơn hàng đi du học không được.

Có khoảng hơn 30 người với số tiền đóng cọc hơn 3 tỷ đồng phải hủy và thanh lý hợp đồng. “Còn khoảng hơn 20 người với hơn 2 tỷ tiền đặt cọc công ty chưa thanh toán cho khách hàng. Hiện công ty đã tạm thời nghỉ hoạt động và cố gắng huy động để thanh toán số tiền còn lại cho khách hàng…”, ông Quang Anh cho biết.

Theo hóa đơn nộp tiền của ông Trần Xuân Cát cho Cty CHANGMI lập từ 20/11/2014, nhưng ngày 20/1/2015 hợp đồng giữa hai bên mới được ký kết. Trong khi địa chỉ công ty đăng ký là 75 Nguyễn Cảnh Chân, TP Vinh, nhưng trong một số hợp đồng, phiếu thu tiền lại là 37C Lê Văn Hưu, TP Vinh… là những dấu hiệu mập mờ khiến người dân hoài nghi.

Người dân đề nghị các cơ quan chức năng ở Nghệ An và Hà Tĩnh sớm làm rõ sự việc một cách khách quan, đồng thời có biện pháp buộc Cty CHANGMI sớm trả lại tiền cho người dân và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tác giả bài viết: Ngô Toàn

  Từ khóa: nông dân ,lao động ,an hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP