Trong tỉnh

Nghệ An: Khơi dậy tiềm năng du lịch, bứt phá kinh tế từ 'văn hóa làng quê' ở huyện Nam Đàn

Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được biết đến như một điểm sáng trong bức tranh nông thôn mới kiểu mẫu. Nơi đây đã và đang thành công trong việc gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển văn hóa và du lịch, tạo nên một diện mạo quê hương vừa hiện đại, văn minh, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống.

Xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vận động nhân dân thực hiện xây dựng các thiết chế văn hóa, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Điểm sáng nông thôn mới kiểu mẫu

Nâng cao đời sống vật chất cho người dân, phát triển văn hóa gắn với du lịch là định hướng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Trên cơ sở này, xã đã đề ra định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, trong đó chú trọng mở rộng diện tích trồng sen, vừa nâng cao thu nhập vừa tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, gần gũi, thân thiện, giữ gìn phát huy nét đẹp truyền thống của làng quê Kim Liên, thực sự gắn với tên gọi làng Sen quê Bác.

Để phát huy truyền thống và di sản của quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, xã Kim Liên tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự, thân thiện và mến khách.

Theo đó, xã đã xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại xóm Sen 2, 7 vườn mẫu được UBND tỉnh công nhận vườn chuẩn, vườn mẫu. Đây là điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện được vai trò chủ thể của mình, từ đó chủ động và phát huy cao tính sáng tạo của chính mình. Kinh tế vườn hộ được được nâng lên một cách rõ rệt, nhiều vườn đã cho hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập.

Các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã như: Trang trại trồng hoa kết hợp tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh tại xóm Liên Mậu 3. Mô hình nuôi ba ba, trồng dưa lưới trong nhà màng tại xóm Sen 1, Liên Mậu 3, mô hình du lịch cộng đồng Homestay tại xóm Sen 2. Công tác vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực, dần hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, bước đầu hình thành nét văn hóa cộng đồng nông thôn mới văn minh.

Ông Nguyễn Quang Lộc - Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết: Việc huy động được nhiều nguồn lực và tất cả mọi người dân tham gia là nhân tố quyết định thành công chương trình “Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.

Thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm nhấn trong khu dân cư như kè các dãy ao sen, xây dựng xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển một số mô hình du lịch trải nghiệm, tham quan, học tập cộng đồng để thu hút du khách.

Cùng với Kim Liên, xã Nam Giang có Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh; điểm du lịch vườn sinh thái trải nghiệm Eo Gió sở hữu thiên nhiên trong lành, không gian khoáng đạt cùng nhiều hoạt động thú vị. Đây là một trong những điểm đến được nhiều người dân thích thú, đặc biệt là du khách gần xa khi về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Phan Trọng Hải, Chủ tịch UBND xã Nam Giang cho biết: Việc công nhận là điểm du lịch nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát triển tài nguyên du lịch; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương, hướng tới xây dựng Nam Giang là điểm đến trong hành trình của khách du lịch. Định hướng phát triển của xã theo hướng khai thác các giá trị về văn hóa tâm linh, cảnh quan sinh thái gắn với du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng trải nghiệm.

Để đạt được mục tiêu này, địa phương đã và đang cố gắng phát huy giá trị hiện có, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho người dân, mở rộng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, dịch vụ lưu niệm, lưu trú, đa dạng ẩm thực để thu hút du khách.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái - văn hóa đang là hướng đi của huyện Nam Đàn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Thời gian qua, huyện Nam Đàn đã chỉ đạo 6 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu bằng mô hình xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm.

Đến nay đã hoàn thành 4 mô hình gồm: Mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm, homestay Cửa Ông xã Nam Nghĩa; mô hình du lịch sinh thái Thung Pheo, mô hình trải nghiệm vườn Hồng xã Nam Anh; mô hình vườn mẫu, homestay xã Kim Liên; mô hình du lịch nông thôn trải nghiệm Tâm Thuận xã Nam Cát. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 4 điểm được công nhận là điểm du lịch: Khu di tích Kim Liên, Chùa Đại Tuệ, Khu lưu niệm Phan Bội Châu và Vườn sinh thái trải nghiệm Eo Gió, Nam Giang.

Gắn chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm OCOP với sản phẩm phục vụ du lịch, đến nay toàn huyện có 69 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm đặc trưng của huyện vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và nhu cầu mua sắm của du khách khi về với Nam Đàn.

Hợp tác xã Sen Quê Bác đã đầu tư sản xuất và chế biến các sản phẩm từ sen tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao phục vụ du lịch; đồng thời hình thành mô hình du lịch trải nghiệm từ các vùng trồng sen xã Kim Liên, vườn Hồng xã Nam Anh,… giúp cho du lịch Nam Đàn thêm phong phú về loại hình, đa dạng về sản phẩm.

Dồn lực về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025

Nam Đàn là 1 trong 4 huyện của cả nước được Chính phủ lựa chọn để thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, theo Quyết định số 17/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ, theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025. Sau 5 năm triển khai Quyết định, đến nay toàn huyện Nam Đàn có 37/42 nội dung đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “Văn hoá gắn với du lịch”.

Điểm nhấn trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Nam Đàn, là huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng từ huyện đến cơ sở. Trong đó, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại.

Trên địa bàn huyện Nam Đàn đã hoàn thành một số công trình hạ tầng kết nối du lịch như: Cảnh quan tuyến đường vào quê nội, quê ngoại Bác Hồ; đường cầu Đòn - chùa Viên Quang, đường ngã tư thị trấn - khu lăng mộ Vua Mai, công trình Hợp tác xã với Bác Hồ tại Kim Liên… Các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng được quan tâm bảo tồn, trùng tu. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng nếp sống văn hóa được phát triển.

Huyện Nam Đàn còn có nhiều khu vườn đẹp, vườn chuẩn nông thôn mới cho du khách trải nghiệm. Huyện đã xây dựng được một số mô hình du lịch, sản phẩm du lịch mới từ các trang trại, vườn đồi với cảnh quan thiên tạo hoặc nhân tạo, bước đầu thu hút được du khách tìm đến và trải nghiệm. Cùng đó, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều sản phẩm OCOP vừa nâng cao được giá trị nông sản trên địa bàn, tăng thu nhập cho người dân, vừa là sản phẩm phục vụ du lịch.

Huyện cũng quan tâm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh vào đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, đơn cử như thu hút Tập đoàn T&T vào đầu tư bãi đậu xe và dịch vụ du lịch tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Tập đoàn TH đã khảo sát để xây dựng ngôi làng bình yên, khôi phục giống lúa nếp Rồng, trồng cây dược liệu… Đồng thời, huyện đã ban hành và thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng nét đẹp văn hóa con người Nam Đàn văn minh, lịch sự, nghĩa tình, thân thiện, mến khách” gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, các quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện.

Ông Hồ Sỹ Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, huyện Nam Đàn được công nhận là huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn văn hóa với phát triển du lịch, thời gian tới huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch với các hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn.

Cùng với đó, huyện tiếp tục huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch; kết nối các công ty du lịch lớn trong và ngoài tỉnh khảo sát, đánh giá các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện Nam Đàn, từ đó hình thành các tour, tuyến du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế, nhằm khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa gắn với hoạt động du lịch mang tính bền vững.

Huyện cũng phối hợp Sở Du lịch tỉnh Nghệ An triển khai cuộc thi ảnh online “Hello Nam Đàn”, đây là dịp quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, du lịch Nam Đàn đến với du khách trong và ngoài nước, đồng thời qua đó đã lưu trữ các hình ảnh đẹp của mảnh đất, con người Nam Đàn nhằm tuyên truyền, quảng bá du lịch của huyện.

Đặc biệt tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan đã được đầu tư công nghệ ảo VR 360 độ và công nghệ AR thực tế ảo tăng cường, du khách có thể sử dụng màn hình có sẵn để tham quan, trải nghiệm phần mộ của bà Hoàng Thị Loan và đặc biệt, du khách cũng có thể tham quan, trải nghiệm phần mộ ông phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Chủ tịch Hồ chí Minh).

Tác giả: Bích Huệ

Nguồn tin: baotintuc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP