Trong tỉnh

Hướng đi mới cho cây sen Nam Đàn

Cây sen không chỉ mang đến cho người nông dân huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) nhiều giá trị về mặt nông nghiệp, mà còn là sản phẩm tạo dựng thương hiệu du lịch địa phương, góp phần thu hút hàng triệu du khách về thăm quê Bác.

Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Nam Đàn tất bật vào mùa thu hoạch hoa sen, phục vụ du khách về thăm quê Bác.

Những sản phẩm độc đáo từ sen

Từ Quốc lộ 46 đi về quê Bác, khi chạm chân đến mảnh đất Nam Đàn đã xuất hiện những cánh đồng sen rộng lớn khiến nhiều du khách ngỡ ngàng, muốn tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người, văn hóa xứ Nghệ.

Trên mảnh đất chuyên canh 3 vụ lúa kém hiệu quả, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ngà và chị Trần Thị Thế (xóm Liên Hồng, xã Kim Liên) quyết định chuyển sang mô hình trồng sen kết hợp làm du lịch để cải thiện kinh tế gia đình. Chị Thế chia sẻ, việc trồng sen mang lại nguồn thu nhập cho gia đình chị cao hơn trồng lúa gấp 2 - 3 lần. Ban đầu chỉ thử nghiệm, đến nay diện tích trồng sen của gia đình đã mở rộng đến hơn 4 ha. Trong các đầm sen của gia đình chị Thế hiện có khoảng 20 giống sen các loại. Không chỉ bán hoa sen, đài sen, hạt sen, các bộ phận khác của cây sen như: tâm, nhụy, lá, ngó, củ sen cũng đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Năm nay, gia đình chị Thế đang thiết kế thêm các tiểu cảnh tại đầm sen như: làm cầu, kết bè tre, đưa xuồng vào ruộng… để du khách có thể hòa mình vào vẻ đẹp thơ mộng của cánh đồng sen. Ước tính, mỗi ngày có hàng chục khách đến tham quan và chụp ảnh “check-in” tại đầm.

Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Nam Đàn tất bật vào mùa thu hoạch hoa sen, phục vụ du khách về thăm quê Bác.

Ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết: Xã đề ra định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; trong đó, chú trọng mở rộng diện tích trồng sen, vừa nâng cao thu nhập vừa tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp gần gũi, thân thiện; giữ gìn phát huy nét đẹp truyền thống của làng quê Kim Liên, thực sự gắn với tên gọi làng Sen quê Bác.

Đi đầu trong việc trồng, chăm sóc và bảo tồn các giống sen quý, chế biến sâu các sản phẩm và dịch vụ từ cây sen, tạo ra các loại giống sen có năng suất cao và chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất trên các vùng đất khác nhau, Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác xây dựng được vùng trồng sen có quy mô 60 ha. Nơi đây phong phú đa dạng các loại hoa sen, tạo nguyên liệu để chế biến các sản phẩm từ cây sen như: trà lá sen, trà liên tu, trà ướp bông sen, trà tâm sen, hạt sen khô, trà củ sen… Hợp tác xã cũng tạo ra hoạt động chuỗi liên kết cung cấp vật tư, giống, phân bón và bao tiêu đầu ra cho người dân địa phương, nhằm thu hút và phục vụ khách tham quan, du lịch. Hiện Hợp tác xã có 15 sản phẩm, trong đó có 11 sản phẩm đạt OCOP từ 3 - 4 sao.

Anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác cho biết, bộ sản phẩm OCOP Sen quê Bác đã trở thành món quà không thể thiếu của nhiều người mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay trong các buổi lễ trang trọng của tỉnh. Với mục tiêu hướng tới sản phẩm quốc gia, sen quê Bác không ngừng được nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm, chế biến sâu và hướng tới xuất khẩu. Ba sản phẩm gồm: trà liên tu, cánh hoa sen sấy khô và bột lá sen của Hợp tác xã đã nhận được đơn hàng xuất khẩu đi các nước Trung Đông thời gian tới.

Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Nam Đàn tất bật vào mùa thu hoạch hoa sen, phục vụ du khách về thăm quê Bác, nhập cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Hai sắc trắng và hồng tạo nên vẻ đẹp riêng của đầm sen; góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Mùa thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng. Mỗi ngày, với công việc hái sen, người nông dân được trả công 250.000 đồng/8 giờ, nếu tăng ca sẽ được tính thêm 30.000 đồng/Giờ. Qua bàn tay khéo léo của người dân, những đóa sen quan âm, bách diệp được gấp cánh công phu, tỉ mỉ. Sau đó, sen theo xe nhập cho các thương lái ở Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn…

Phát huy giá trị sen gắn với du lịch

Không chỉ bán hoa sen, đài sen, hạt sen, các bộ phận khác của cây sen như tâm, nhụy, lá, ngó, củ sen cũng có thể bán được, đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Vương Hồng Thái cho biết, bên cạnh phát triển du lịch tâm linh, huyện chủ trương phát triển du lịch theo hướng xanh, khai thác giá trị cây sen và các sản phẩm từ sen.

Thời gian qua, cùng với thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, huyện đã xây dựng tour du lịch Vinh - Cửa Lò - Nam Đàn. Tham gia tour này, du khách vừa được tham quan các di tích văn hóa, lịch sử vừa được "check in", chụp ảnh, tham gia trải nghiệm với người dân địa phương trong các hoạt động từ hái sen đến các công đoạn chế biến; mua các sản phẩm từ sen.

Huyện Nam Đàn hướng tới xây dựng chuyên mục ẩm thực sen và thực hiện chuyên trang ẩm thực sen để quảng bá các món ăn chế biến từ sen. Các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, homestay, khu, điểm du lịch đưa vào phục vụ các món ăn chế biến từ sen. Từ thế mạnh của vùng nguyên liệu, Nam Đàn đã phát triển nhiều sản phẩm được chế biến từ cây sen như: sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, bông sen, tinh chất sen, kéo sợi tơ sen…

Ông Nguyễn Đình Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết, tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, đặc biệt là cây sen vẫn chưa được khai thác hết. Thêm vào đó, nhiều nơi phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm chưa chú trọng về thương hiệu. Để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chế biến từ sen, thời gian tới, huyện phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tổ chức nhiều hoạt động như: thiết kế sản phẩm quà tặng từ sen; giới thiệu sản phẩm OCOP, thi ẩm thực các món ăn chế biến từ sen; tour du lịch trải nghiệm sen… Qua đó góp phần tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa, kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây sen; đồng thời, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Sen hiện là một trong 5 ngành hàng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Nam Đàn, được chú trọng quy hoạch, xây dựng thương hiệu, hình ảnh. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích trồng sen đạt 500 ha; tập trung phát triển các vùng nguyên liệu sen tại các xã: Kim Liên, Thượng Tân Lộc, Nam Thanh, Khánh Sơn, Nam Giang, Nam Anh…

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cùng hiệu quả kinh tế, những năm qua, diện tích sen đã được mở rộng từ ra các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Diễn Châu và thành phố Vinh.

Giới thiệu sản phẩm sen quê Bác tới du khách tham quan.

Ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, nhắc đến quê hương Bác, mọi người đều nghĩ đến cây sen. Bên cạnh giá trị kinh tế, sen chứa đựng nhiều ý nghĩa biểu tượng về mặt văn hóa tâm linh, là biểu tượng cho tính hướng thiện, sự thuần khiết và thanh tao. Thời gian tới, tỉnh cần phát triển vùng nguyên liệu để khẳng định vị thế đang có; đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết vùng và liên kết bốn nhà, kết hợp phát triển các loại hình du lịch dịch vụ, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững.

Tỉnh Nghệ An đã có giải pháp hỗ trợ các sản phẩm từ sen trở thành ngành hàng chủ lực được tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc; duy trì và nâng chất lượng các sản phẩm từ sen được xếp hạng OCOP, đề xuất sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp quốc gia, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với sen đạt chuẩn OCOP; về lâu dài hướng tới chế biến sâu và xuất khẩu.

Thực tế hầu hết mô hình trên cây sen hiện nay đều kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm. Các hoạt động du lịch kết hợp này giúp tăng thêm lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Các mô hình chuyên canh, luân canh kết hợp du lịch sen đã tạo việc làm ổn định cho người dân Nam Đàn.

Tác giả: Bích Huệ

Nguồn tin: baotintuc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP