Trong tỉnh

Nghệ An “giữ chân” người lao động sau Tết

Tình trạng thiếu lao động ở Nghệ An gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh.

Để khắc phục hạn chế trên, địa phương này đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chủ động đẩy mạnh hoạt động kết nối cung – cầu lao động, đồng thời đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người lao động ở lại làm việc, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn.

“Cung không đủ cầu”

Hiện nay, các khu kinh tế, khu công nghiệp và một số địa phương cấp huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An được nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước quan tâm, chọn làm điểm “đặt chân, lót ổ” lâu dài. Điều này đồng thời cũng kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt lao động có tay nghề cao tăng cao.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động của Nghệ An chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, cả về chất lượng lẫn số lượng. Đặc biệt, tình trạng thiếu lao động cục bộ đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tác động không nhỏ đến công tác thu hút đầu tư của tỉnh.

Dự kiến trong năm 2025, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhu cầu tuyển dụng hơn 40.000 lao động.

Nhất là trong những năm trở lại đây, các doanh nghiệp FDI lớn liên tục “đổ bộ” vào tỉnh này cùng các dự án sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện, sản xuất linh kiện ô tô, năng lượng xanh đã bắt đầu đi vào hoạt động, nhu cầu sử dụng lao động từ đó cũng tăng cao. Một số công ty, nhà máy sử dụng số lượng lớn lao động đã bắt đầu gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, kể cả lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao.

Đơn cử như Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam nằm trong Khu công nghiệp VSIP, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An: Bắt đầu từ tháng 6/2024, công ty này chính thức đi vào hoạt động, song công tác tuyển dụng lao động còn gặp những khó khăn nhất định, nhất là nguồn lao động có tay nghề, có kỹ thuật chuyên môn cao. Theo kế hoạch, năm 2025, công ty có 4.500 lao động. Dự kiến đến năm 2026, công ty phải tuyển dụng được 8.000 lao động. Do đó, việc tuyển dụng lao động đối với công ty này hiện rất áp lực.

Ở góc độ tổng quát, khảo sát trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy, dự kiến năm 2025, nhu cầu tuyển dụng của địa phương sẽ trên 40.000 lao động. Tính cả giai đoạn từ năm 2025 - 2029, riêng các dự án FDI sẽ có nhu cầu đăng ký sử dụng khoảng 98.701 lao động. Do đó, điều đáng lo ngại nhất hiện nay, đó là nguồn cung lao động ở Nghệ An bị thiếu hụt trầm trọng, cả về chất lượng và số lượng.

Trong khi đó, tỉnh này hiện có hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, trung bình mỗi năm bổ sung hơn 30.000 lao động và đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là phần lớn lao động Nghệ An lại có xu hướng tìm kiếm việc làm ở ngoài địa phương.

Số liệu mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đưa ra hồi cuối năm 2024 cũng cho thấy, thị trường lao động trong tỉnh gặp thách thức không nhỏ khi ước tính có khoảng 700.000 lao động Nghệ An làm việc ngoại tỉnh và 80.000 lao động ra nước ngoài tìm kiếm việc làm.

“Níu” lao động ở lại

Trước thực trạng trên, nhằm kịp thời định hướng cho công tác giải quyết việc làm, thu hút lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, mới đây, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký, ban hành Công văn số 715/UBND-VX ngày 24/1/2025 giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc tổ chức gặp mặt lao động về quê trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Nhiều nhà máy của các doanh nghiệp FDI ở Nghệ An đi vào hoạt động, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao.

Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi, năm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động; đảm bảo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết, được chi trả đầy đủ chế độ lương, tiền thưởng (nếu có) và bố trí nghỉ Tết đúng quy định. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ cho người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra. Thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán.

Lãnh đạo tỉnh cũng lưu ý, cần tổ chức hội nghị tuyên truyền, kết nối cung – cầu lao động cấp huyện; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức gặp mặt con em quê hương đi làm ăn xa về quê dịp Tết Nguyên đán, nắm bắt tình hình việc làm của người lao động, truyền thông vận động lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhà.

Cũng tại Công văn số 715, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp số lao động địa phương trong độ tuổi lao động về quê dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 có nhu cầu tìm kiếm việc làm, đào tạo nghề gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để có kế hoạch đào tạo nghề, kết nối cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Kết quả tổ chức Hội nghị, rà soát lao động gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 08/02/2025 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh…

Không chỉ chính quyền địa phương, ngay từ trước Tết, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã đưa ra các đãi ngộ, phúc lợi về tài chính, tăng lương, tăng thưởng nên lực lượng công nhân, người lao động rất đồng tình, muốn cống hiến và gắn bó lâu dài với công ty.

“Nhiều năm trước, nhà máy chúng tôi phải chịu cảnh thiếu lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhưng, vài năm trở lại đây, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện tốt chế độ lương thưởng và phúc lợi xã hội đối với người lao động để họ yên tâm gắn bó với công ty. Đặc biệt, Ban lãnh đạo công ty còn không ngừng tiếp cận, mở rộng thị trường, tìm kiếm các đơn hàng mới để người lao động tăng ca, tăng thu nhập, cải thiện mức sống” - đại diện một doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An chia sẻ.

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP