Trong tỉnh

Nghệ An: Giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Hiện nay, các doanh nghiệp đã bước vào thời kỳ phục hồi và phát triển sản xuất, cùng với tốc độ phát triển nhanh của các dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhu cầu về nguồn cung lao động cũng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, điện tử,... mang đến rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương.

Cơ hội việc làm cho lao động tại địa phương

Xác định nguồn nhân lực chính là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế, phát nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết nhu cầu việc làm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu lao động hiện nay. Hiện nay, các doanh nghiệp đã bước vào thời kỳ phục hồi và phát triển sản xuất, cùng với tốc độ phát triển nhanh của các dự án trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về lao động cũng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, điện tử,... mang đến rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm Cty CP may kim Anh – Kim Liên (Nghệ An)


Nghệ An hiện nay đang có đến khoảng 14.050 doanh nghiệp đang hoạt động, có nhu cầu tuyển dụng lao động mỗi năm lên đến khoảng 35.000 - 40.000 lao động. Được biết, lực lượng lao động ở Nghệ An từ 15 tuổi trở lên là 1.623.117 người, Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 252.348 người, khu vực nông thôn là 1.370.769 người. Lực lượng lao động nam là 867.697 người, nữ là 755.420 người. Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm 1.596.954 tăng 564 người so với năm 2021. Trong đó lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 248.363 người; số người có việc làm ở nông thôn là 1.348.592 người. Thấu hiểu được tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội của địa phương, Nghệ An đã chú trọng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cùng những cơ chế ưu đãi và khuyến khích.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất, thành lập các doanh nghiệp, phát triển khu công nghiệp,... Tỉnh Nghệ An cũng đang chú trọng nắm bắt thông tin, kết nối cung - cầu lao động. Đặc biệt, phối hợp với các địa phương nhằm tạo sự kết nối và liên thông cung ứng chuỗi lao động nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm việc làm tốt hơn. Về phía chính quyền địa phương sẽ tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn cũng như nhu cầu tìm việc của người lao động để cùng trung tâm kết nối cung cầu lao động. Đối với người lao động thì khuyến khích chủ động đăng ký tìm việc làm tại địa phương và các kênh tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua các TT DVVL của tỉnh Nghệ An để có thể nắm bắt thông tin vị trí việc làm, ổn định cuộc sống.

Công tác GQVL trong năm 2022 đã được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền và sự vào cuộc của các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội. Công tác tổ chức thực hiện linh hoạt bám sát thực tiễn, toàn diện và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Công tác truyền thông, nâng cao năng lực cán bộ được tăng cường. Hoạt động hỗ trợ GQVL, vốn vay GQVL đã được quan tâm, hoạt động sàn giao dịch việc làm đã đi vào nề nếp, khẳng định phương pháp và hướng đi phù hợp. Do đó GQVL năm 2022 đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao; nhất là hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có kết quả vượt xa kế hoạch đề ra, tăng thu nhập cho lao động, gia đình và đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh và từng địa phương. Năm 2022, Nghệ An đã tạo việc làm mới cho 45.000 người; trong đó: tạo việc làm trong tỉnh cho 14.000 người; lao động đi làm việc ở ngoại tỉnh là 6.500 người, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 24.560 người (đạt 181,25% kế hoạch năm, tăng 115,8% so với năm 2021, tập trung vào các thị trường truyền thống và ổn định như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu. Từ đầu năm 2023 đến nay, GQVL cho trên 25.000 người.

Tạo sự gắn kết “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp”

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: “Đổi mới và nâng cao chất lượng ĐTN, thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế là mục tiêu xuyên suốt những năm qua. Gắn kết với doanh nghiệp được xác định là khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nhiều hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã được triển khai. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp chủ động cho sinh viên thực tập trực tiếp trên dây chuyền sản xuất; quá trình thực tập, các doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn, kinh phí vật tư cho sinh viên. Để thu hút, tuyển dụng lao động, một số doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người học. Việc hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình ĐTN được thực hiện hầu hết tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Người lao động Nghệ An tham gia ngày hội việc làm


Được biết, thị trường lao động chuyển dịch theo hướng tốt hơn, giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản từ 46,33% năm 2021 xuống 42,5% năm 2022, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng từ 26,50% năm 2021 lên 28,55% năm 2022, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực dịch vụ từ 27,17% năm 2021 lên 28,95% năm 2022. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên đảm bảo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 3%; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 80,1% năm 2021 lên 85,8% năm 2022. GQVL đạt kết quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ANQP trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 14.394 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 236 doanh nghiệp có vốn nhà nước (có 26 doanh nghiệp do địa phương quản lý), 112 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 14.038 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 231.152 người; trong đó, số lao động làm việc trong khối doanh nghiệp có vốn nhà nước khoảng 23.000 người, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 42.000 người, doanh nghiệp ngoài quốc doanh khoảng 166.452 người.

Ông Đoàn Hồng Vũ thông tin thêm: “Trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT và trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với doanh nghiệp, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động. Đào tạo thông qua đặt hàng của doanh nghiệp nơi người lao động được tiếp nhận vào làm việc. Xây dựng khung chương trình để người học và người sử dụng lao động tham gia chủ động vào đánh giá chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các doanh nghiệp. Xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho một số ngành, nghề trong đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và ban hành giá dịch vụ giáo dục nghề nghiệp để đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo. Tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học.

"Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để chuẩn hóa chương trình, giáo trình đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐTN gắn với GQVL là yêu cầu cấp thiết, có tính chiến lược trước mắt và lâu dài của Nghệ An. Việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và xã hội sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu và tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh” – Giám đốc Đoàn Hồng Vũ nhấn mạnh.

Tác giả: THU HƯƠNG

Nguồn tin: baodansinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP