Nhà máy nước Hưng Thông được đầu tư hơn 25,8 tỷ đồng, hiện “cửa đóng then cài” |
Xây xong rồi để đó
Theo quan sát, khuôn viên nhà máy và hệ thống máy móc, nhà điều hành, trạm bơm, trạm điện, tường rào… mặc dù đã được hoàn thiện nhưng nhiều năm nay “cửa đóng then cài”.
Ông Nguyễn Văn Thế, người dân sống bên cạnh dự án bức xúc: “Nhà máy xây xong rồi, nhưng không biết bao giờ mới có nước dùng. Lâu nay gia đình tôi vẫn phải sử dụng nước mưa để sinh hoạt”.
Theo người dân địa phương, sau khi mừng vì có dự án nước sạch được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng dự án xây xong “đắp chiếu” tới nay rất lãng phí. Các kỳ họp HĐND và gần đây nhất là Đại hội Đảng bộ xã, câu chuyện nhà máy nước luôn được người dân đưa ra để chất vấn lãnh đạo địa phương.
“Năm 2019, trận lụt kéo dài nhiều ngày khiến hệ thống máy bơm của nhà máy chìm trong nước. Không biết có phải do hư hỏng gì không mà từ đó đến nay không thấy nhà máy hoạt động trở lại”, người dân phản ánh.
Theo UBND xã Hưng Thông, thiết kế của Nhà máy nước Hưng Thông là lấy nước sông Cầu để vận hành nhưng thực tế nguồn nước sông Cầu hiện chỉ đủ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, sông Cầu hiện nay đang bị ô nhiễm, chưa chắc đảm bảo chất lượng để sử dụng làm nước sinh hoạt.
“Hưng Thông là địa bàn thuộc vùng hạn của địa phương, chuyện thiếu nước sinh hoạt thường xuyên xảy ra. Hiện vấn đề nước sạch cho nhân dân vẫn chưa có hướng tháo gỡ, xã đang nợ tiêu chí nước sạch trong việc về đích nông thôn mới”, Chủ tịch xã thông tin.
Cũng theo UBND xã Hưng Thông, năm 2013, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An tổ chức đoàn khảo sát giếng làng để tiến hành lấp lại, nhưng xã xin để lại để lấy nước sử dụng vì chưa có nước máy. Năm nay, trước tình trạng nắng nóng, thiếu nước triền miên, nên xã đã phải trích kinh phí để nâng cấp, khơi thông các giếng để lấy nước sử dụng. Hiện một số hộ dân sử dụng nước giếng cho sinh hoạt, còn lại 100% hộ dân phải sử dụng bể chứa nước mưa.
Lập dự án kiểu “có quần, thiếu áo”
Theo tìm hiểu của PV, ngày 22/4/2009, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Quần thể lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và giao UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
Trong dự án tổng thể này có dự án Nhà máy nước sạch Hưng Thông với công suất 1.000m3/ngày đêm được đầu tư hơn 25,8 tỷ đồng với nhiều hạng mục như: Công trình đầu mối, mạng lưới đường ống cấp nước, khu xử lý, hệ thống điện… với mục tiêu cung cấp nước sạch sinh hoạt cho toàn bộ người dân trên địa bàn xã Hưng Thông.
Nói về nguyên nhân khiến Nhà máy nước Hưng Thông xây xong nhưng không hoạt động, ông Cao Anh Đức, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho rằng trong quá trình xây dựng, dự án chưa tính toán cụ thể đến thời gian để vận hành. “Nhà máy nước do huyện làm chủ đầu tư, xã chỉ là đơn vị hưởng lợi nên việc xây dựng, vận hành như thế nào là do cấp trên quyết định”, ông Đức nói.
Trong khi đó, ông Hồ Sỹ Hiếu, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Hưng Nguyên giải thích: Theo thiết kế thì dự án mới chỉ xây dựng đến đường ống cấp 3. Muốn đưa nước đến nhà dân thì phải có kinh phí để lắp đặt đường ống cấp 4, nhưng hiện nay đường ống tới nhà dân vẫn chưa thể triển khai.
“Công trình cơ bản đã hoàn thành nhưng không bàn giao được vì chưa biết bàn giao cho ai. Vì xã không đủ khả năng để vận hành nhà máy nên sợ bàn giao rồi bị hư hỏng thì ai chịu. Huyện đang mời một số đơn vị vào để hợp tác vận hành nhà máy, hy vọng sẽ sớm có nước sạch phục vụ nhân dân”, ông Hiếu cho biết.
Một dự án được hàng trăm hộ dân kỳ vọng, nhưng rồi lại khiến họ thất vọng. Hàng chục tỷ đồng bỏ ra xây dựng rồi khóa cửa bỏ đó, người dân thì phải sửa lại giếng cũ để lấy nước sinh hoạt là điều dư luận địa phương bức xúc. Hiện nhiều hạng mục của công trình cấp nước đã có dấu hiệu xuống cấp, người dân đề nghị UBND huyện Hưng Nguyên sớm tìm ra giải pháp để vận hành, tránh lãng phí tiền của Nhà nước và đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho dân.
Tác giả: Ngô Toàn
Nguồn tin: baophapluat.vn