Vết nứt bí ẩn
Ngày cuối tháng 5, trong căn lán bằng nứa chật chội ở bản Phá Kháo (xã Mai Sơn, huyện Tương Dương), diễn ra lễ tổng kể năm học 2018-2019. Mái tôn được lợp quá thấp khiến không khí trong lán rất nóng bức. Những bộ áo trắng đồng phục của gần 40 học sinh ở điểm trường tiểu học Phá Kháo ướt sũng vì mồ hôi. Các giáo viên ở đây vì thế phải kết thúc buổi lễ sớm vì học trò không chịu nổi.
Căn lán tạm của điểm trường Tiểu học Phá Kháo. |
“Kết thúc năm học ai cũng nhẹ nhõm. Từ thầy cô đến học trò, nhưng không biết năm học sau có còn phải chịu cảnh như thế này hay không”, thầy Lương Trung Kiên, giáo viên chủ nhiệm lớp 5D nói. Ở điểm trường này, ngoài thầy Kiên còn có 4 giáo viên khác. Mỗi người phụ trách một lớp. Trong suốt năm học qua, họ đã phải dạy học “dã chiến” vì lo ngại sạt lở. Có lúc thậm chí học phải mượn nhà dân để mang con chữ tới cho học trò.
Trở lại thời điểm một ngày tháng 8/2018, sau trận mưa lớn, người dân bản Phá Kháo hết sức hoang mang vì những vết nứt bí ẩn xuất hiện ở đây. Trong đó, vết nứt chính dài gần 1km chạy dài vây quanh bản. Chiều rộng của các vết nứt này có nơi gần 1 mét, sâu hơn 2 mét. Đặc biệt tại khu vực điểm trường Tiểu học và Mầm non Phá Kháo, các vết nứt chằng chịt khiến sàn nhà bằng bê tông vỡ tan... Lo ngại an toàn tính mạng cho cả thầy lẫn trò, khi mà những vết nứt này có dấu hiệu ngày càng lan rộng, họ quyết định di dời trường học.
Những vết nứt bí ẩn chạy quanh bản Phá Kháo. |
Trong khi 20 cháu mầm non được chuyển qua nhà cộng đồng bản để học tạm thì gần 40 em học sinh tiểu học ở đây lại không biết chuyển đi đâu. Phá Kháo là một trong những bản xa xôi nhất của xã Mai Sơn. Từ trung tâm xã vào đây phải vượt đoạn đường dài hơn 10 km quanh năm trong tình trạng sạt lở. Những ngày mưa, việc di chuyển trên quãng đường này là cả một vấn đề lớn. Chính vì thế, để chuyển những học sinh này đến điểm trường chính là điều không thể bởi quãng đường quá khó khăn, các em không thể đi về trong ngày. Trong khi đó, bản Phá Kháo có 50 hộ dân người Mông sinh sống, và tất cả trong số họ đều nằm trong diện hộ nghèo.
Sau cuộc họp bản, họ quyết định phải dựng tạm một căn lán để cho con em theo học. Thời điểm đó đang lúc chuẩn bị bước vào năm học mới, để kịp khai giảng cho các em, hàng chục người dân phân công nhau làm việc. Người thì vào rừng chặt nứa, người ở lại đan phên. Họ còn góp tiền mua những tấm tôn mỏng để lợp. Trong suốt nửa tháng, căn lán bằng nứa mới được dựng xong. Ngay sau lễ khai giảng ở điểm trường cũ, việc dạy học nhanh chóng được chuyển qua trường tạm.
Gọi là trường tạm nhưng các giáo viên cũng như học sinh ở đây không ngờ họ lại phải gắn bó ở đây suốt cả năm học. Và không ai dám chắc rằng, trong năm học tiếp theo, họ có còn phải chịu cảnh tạm bợ như thế nữa hay không?
Vết nứt xuất hiện gần một năm nay khiến người dân vùng biên hoang mang. |
Di dời bản khẩn cấp
“Những ngày nắng thì nóng như trong lò lửa, do mái tôn mỏng, lại lợp quá thấp. Còn ngày mưa thì nước tạt vào phòng học làm cả thầy lẫn trò ướt sũng. Nhiều hôm không chịu được, chúng tôi lại phải qua nhà người dân học tạm. Ở đây, trong suốt 1 năm qua, như một trường học dã chiến vậy”, thầy Kiên ngậm ngùi. Căn lán tạm của điểm trường tiểu học này được chia thành 5 phòng, mỗi lớp một phòng. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, mỗi phòng học cũng chỉ rộng chưa đầy 7m2. Sau vài tháng sử dụng, những tấm phên bằng nứa cũng đã bị mục nát.
“Vào mùa rét, những cơn gió lùa vào phòng học khiến các em rét run. Nhìn mà thấy thương nhưng chẳng còn cách nào khác”, ông Đặng Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn nói.
Một tiết sinh hoạt ngoài trời của thầy trò ở Phá Kháo. |
Tuy nhiên, không chỉ thầy trò ở đây phải khổ sở vì vết nứt, 50 hộ dân Phá Kháo trong suốt gần 1 năm qua cũng luôn cảnh thấp thỏm, bất an. “Vết nứt thì cứ lan rộng. Nằm ngủ cũng không yên vì sợ, đặc biệt cứ mưa xuống. Sợ sạt mất nhà cửa luôn”, ông Và Bá Nhiên (60 tuổi), nói.
Mai Sơn là một trong những xã xa nhất của Nghệ An. Xã này cách trung tâm huyện Tương Dương đến 120 km. Theo ông Lô Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, xã có 10 bản thì có 6 bản người Thái, 2 bản Khơ Mú và một bản người Mông. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 58%. Trong số các bản này, Phá Kháo là bản nghèo nhất.
“Kể từ khi xuất hiện các vết nứt, chúng tôi liên tục đến kiểm tra đồng thời để trấn an người dân. Tuy nhiên việc di dời cũng đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Quang nói.
Mai Sơn là một trong những xã xa nhất của Nghệ An, giáp với Lào và cách TP Vinh hơn 320 km. Ảnh: Google Maps |
Trong suốt một năm qua, hàng loạt đoàn về khảo sát tại bản này nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra các vết nứt này. Trong khi đó, để đảm bảo an toàn, huyện Tương Dương đã quyết định di dời khẩn cấp cả bản. Tuy nhiên, gọi là “di dời khẩn cấp” nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một hộ dân nào được di dời bởi nhiều nguyên nhân.
Ở khu vực vùng cao này, để tìm được vị trí cho tái định cư không phải là điều dễ dàng. Có những vị trí có mặt bằng bằng phẳng thì lại thiếu nguồn nước, có chỗ gần nguồn nước thì lại nhấp nhô hoặc không có đường. Có những vị trí lại nằm trong vùng sạt lở...
Điểm trường Tiểu học Phá Kháo cũ. |
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho hay, ông cũng đã trực tiếp có mặt tại bản này để kiểm tra các vết nứt. Về nguyên nhân, ông Hải cho rằng có thể do cấu tạo địa chất của khu vực này bất ổn.
Cũng theo lãnh đạo huyện Tương Dương, gần đây chính quyền địa phương đã tìm được vị trí để xây dựng khu tái định cư cho người dân. Khu vực này nằm cách xa bản cũ đến hơn 1km. Tuy nhiên, để di dời toàn bộ bản Phá Kháo thì không phải điều dễ dàng. “Chúng tôi đã xây dựng dự án nhưng kinh phí quá lớn. Trước mắt thời gian tới sẽ chỉ di dời 7 hộ trước. Những hộ này có nhà nằm ngay trên các vết nứt, quá nguy hiểm. Khi nào có kinh phí sẽ tiếp tục di dời những hộ còn lại đồng thời xây dựng trường học”, ông Hải nói.
Tìm kiếm nam thanh niên nghi rơi xuống sông mất tích
Tác giả: Tiến Hùng
Nguồn tin: Báo Nghệ An