Xã hội

Nghệ An: Dân dở khóc, dở cười vì bị hai xã quản

Do không đúng với lịch sử nên người dân trong xóm đã kiến nghị lên các cấp chính quyền xin giữ nguyên ở xã Quỳnh Thắng.

Ông Phạm Xuân Thủy (bên phải), Xóm trưởng xóm Đông Xuân cung cấp các giấy tờ dẫn đến tình cảnh bị hai xã quản.

Nhiều năm qua, hơn 90 hộ dân với gần 400 nhân khẩu ở xóm Đông Xuân rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi địa giới hành chính thuộc quản lý của xã Quỳnh Châu, nhưng phần quản lý con người lại thuộc về xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Một xóm thuộc hai xã

Gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn (xóm Đồng Xuân), mua được một mảnh đất của người thân trong xóm từ cuối năm 2013. Mặc dù tiền đã chuyển và phía bên kia cũng đã đi làm các thủ tục nhưng đến nay vẫn chưa được chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vừa qua, gia đình ông Hoàn muốn làm nhà trên đất nhưng gặp rất nhiều khó khăn do... không biết phải xin xã nào (?!).

Theo ông Hoàn, gia đình đã làm đầy đủ các thủ tục chuyển nhượng bìa đỏ, UBND xã Quỳnh Thắng cũng đã xác nhận nhưng khi lên huyện lại không làm được. Hỏi huyện thì được biết, đất xóm Đông Xuân thuộc xã Quỳnh Châu, phải xin xác nhận của Quỳnh Châu. “Vừa rồi dù chưa có bìa đỏ nhưng gia đình tôi cũng xin xác nhận của xã Quỳnh Thắng để xây nhà ở. Chứ vợ và hai con nhỏ (đứa lớn học mẫu giáo, đứa nhỏ hơn 14 tháng) mà ở tạm bợ thì không được. Đất này, từ thời cha ông để lại, được tính là đất Quỳnh Thắng, sao nay lại xin xác nhận ở Quỳnh Châu?”, anh Hoàn bức xúc.

Đây cũng là tình cảnh dở khóc, dở cười đối với nhiều hộ dân xóm Đông Xuân. Thống kê từ xóm, hiện có 4 trường hợp đã mua đất, chuyển nhượng đất nhưng không thực hiện được giao dịch. Các thủ tục giấy tờ khác liên quan đến đất đai cũng không thực hiện được. Nguyên nhân là do phân cấp quản lý của chính quyền: quản lý về con người lâu nay thuộc xã Quỳnh Thắng, nhưng đất đai thì thuộc quản lý của xã Quỳnh Châu.

Qua tìm hiểu, xóm Đông Xuân được thành lập từ năm 1959. Ban đầu là một đội của Nông trường Đông Hiếu. Năm 1977, Nông trường Đông Hiếu bàn giao cho Nông trường Bến Nghè. Lúc này, con người là thuộc về nông trường nhưng địa giới hành chính và sinh hoạt của người dân đều thuộc xã Quỳnh Thắng. Năm 1993, nông trường Bến Nghè giải thể, đất đai và con người xóm Đông Xuân được giao cho UBND xã Quỳnh Thắng quản lý. Năm 1994, khi vẽ bản đồ địa giới hành chính 364 thì xóm Đông Xuân lại thuộc UBND xã Quỳnh Châu.

Hộ khẩu của người dân xóm Đông Xuân, thuộc xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu.

Đến năm 2003, UBND huyện Quỳnh Lưu ra quyết định chuyển toàn bộ nhân khẩu xóm Đông Xuân sang cho xã Quỳnh Châu quản lý. Do không đúng với lịch sử nên người dân trong xóm đã kiến nghị lên các cấp chính quyền xin giữ nguyên ở xã Quỳnh Thắng. Năm 2005, Đoàn thanh tra tỉnh về làm việc và có kết luận: Tạm thời giữ nguyên hiện trạng, dân cư xóm Đông Xuân (kể cả đất đai xóm Đông Xuân sản xuất) giao xã Quỳnh Thắng tiếp tục quản lý. “Sau khi tỉnh có quyết định giao UBND xã Quỳnh Thắng quản lý đến nay, mọi giao dịch bình thường. Chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, khi người dân trong xóm lên huyện giao dịch về đất đai thì lại không được”, ông Phạm Xuân Thủy, Xóm trưởng xóm Đông Xuân cho biết.

Cản trở phát triển kinh tế

Ông Phạm Minh Đức, một cán bộ về hưu cũng là một trong những người dân đầu tiên lập xóm Đông Xuân cho biết, năm 2003, huyện quyết định giao xóm cho xã Quỳnh Châu thì dân nơi đây rất bức xúc và phản đối mạnh mẽ. Năm 2004, xóm không có một tổ chức, đoàn thể nào hoạt động, dẫn đến kinh tế trì trệ.

Ông Lê Văn Nga, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho hay, mọi giao dịch của người dân đều được chính quyền tạo điều kiện. Tuy nhiên, riêng giao dịch về đất đai thì khi xuống huyện không thực hiện được vì người ở Quỳnh Thắng nhưng đất lại thuộc Quỳnh Châu. Muốn giao dịch phải xin xác nhận của xã Quỳnh Châu. Thế nhưng, vì người dân xóm cho rằng điều đó không đúng với lịch sử nên nhất quyết không chịu sang Quỳnh Châu xác nhận. “Hiện tại, đất của xóm Đông Xuân chưa được quy hoạch. Rất mong huyện và tỉnh sớm có giải pháp xử lý dứt điểm để người dân an tâm phát triển kinh tế”, ông Nga đề nghị.

Bí thư Đảng bộ xã Quỳnh Thắng, ông Bùi Văn Tiến cho biết, để giải quyết vấn đề này, chính quyền hai xã Quỳnh Thắng và Quỳnh Châu đã làm việc với nhau hai lần. “Chúng tôi cũng đã đề cập nguyện vọng của nhân dân xóm Đông Xuân là chuyển về xã Quỳnh Thắng. Vì như thế vừa đúng lịch sử, lại thuận lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên, xã Quỳnh Châu vẫn không chấp nhận. Giờ chỉ còn cách huyện, tỉnh đứng ra phân định. Nếu để tình trạng này diễn ra lâu dài thì rất phức tạp, không chỉ khổ dân mà còn khổ cả chính quyền”, ông Tiến nói.

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Bỉnh Khảng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu lại cho rằng, xóm Đông Xuân chuyển về xã Quỳnh Châu thì hay hơn vì đúng với bản đồ địa giới hành chính. Người dân xóm Đông Xuân không chấp nhận là do chênh lệch trong hưởng quyền lợi về xã miền núi: Quỳnh Thắng thuộc xã miền núi loại 2, Quỳnh Châu chỉ loại 1 nên quyền lợi ít hơn. Vừa rồi hai xã đã làm việc, nhưng không thống nhất được phương án. Huyện cũng đã về giải quyết nhưng không được, địa phương cũng đã báo cáo tỉnh. Hiện, chỉ còn cách chờ tỉnh về giải quyết.

Trách nhiệm của tỉnh

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Ngọc Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu nêu thực tế, huyện đã làm việc với hai xã, xã nào cũng bảo vệ quan điểm của xã đó nên rất khó khăn: “Huyện làm hết khả năng của mình rồi, giờ là trách nhiệm của tỉnh. UBND huyện đã xử lý theo phương án là phân theo bản đồ 364, nghĩa là xóm Đông Xuân thuộc xã Quỳnh Châu.

Thời điểm xây dựng bản đồ này, hai xã đã ký vào văn bản rồi, giờ cứ theo vậy mà làm. Vừa rồi họp, tỉnh đã thống nhất sẽ đứng ra giải quyết nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Chúng tôi đang tiếp tục để nghị đề sớm giải quyết dứt điểm”.
Tác giả bài viết: Vân Anh
Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP