Trong tỉnh

Nghệ An: Công nhân mắc COVID-19 tăng cao, nhiều doanh nghiệp ‘khát’ lao động

Liên tục tuyển người mới, F1 không có nguy cơ cao vẫn đi làm bình thường, luân chuyển người từ tổ này sang tổ khác… là những giải pháp được doanh nghiệp áp dụng trong bối cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng do số lượng công nhân quay trở lại làm việc giảm sau Tết Nguyên đán giảm, ca mắc COVID-19 là công nhân tăng cao.

Theo báo cáo của ngành chức năng, Khu kinh tế (KKT) Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 132 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 31 doanh nghiệp FDI. Có 9 doanh nghiệp từ 1.000 lao động trở lên, chủ yếu là doanh nghiệp FDI.

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, số ca nhiễm bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng ngày có ngày lên tới trên 4000 ngàn ca. Số ca nhiễm COVID-19 là công nhân ngày càng tăng khiến nhiều nhà máy nhất là các nhà máy nhỏ và vừa phải lên phương án ứng phó với nguy cơ thiếu hụt lao động nhất là nhóm ngành như dệt may, linh kiện điện tử.

Các DN không chỉ thiếu hụt người lao động mà còn phải bỏ ra chi phí lớn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đơn cử, tại khu công nghiệp Vsip huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), thời điểm trước Tết, 21 doanh nghiệp đang sử dụng 13.000 lao động. Sau Tết, số lao động này chỉ còn hơn 7.000 người. Đặc biệt, hơn 3.000 lao động là F0 sau Tết Nguyên đán. Theo KKT Đông Nam, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, số lao động tại 132 doanh nghiệp ở ở đây là hơn 34.700 người. Tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc là 93%. Tới tuần làm việc thứ 2 (từ 13-23/2) chỉ còn 50-60% vào tuần làm việc. Cá biệt, một số doanh nghiệp chỉ có gần 40% công nhân đi làm.

Công ty TNHH Luxshare-ICT có tới hơn một nửa lao động là F0 (1.681 F0/2.406 lao động đi làm sau Tết), công ty TNHH IMS có 500 lao động là F0. Cùng với đó là có hơn 1.000 lao động của các công ty thuộc diện F1, phải cách ly.

Tình trạng công nhân không quay trở lại làm việc và số công nhân bị Covid-19, công nhân thuộc diện F1 phải cách ly khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Riêng Công ty TNHH Luxshare-ICT đang cần từ 3.000-4.000 lao động để hoàn thành các đơn hàng và thực hiện tuyển dụng hàng ngày.

Tương tự thời điểm trước tết, số lao động của Công ty May An Hưng ở Huyện Yên Thành có 1.600 công nhân, nhưng tới thời điểm này số công nhân xin nghỉ vì mắc Covid lên đến 400 công nhân khiến doanh nghiệp thiếu lao động nghiêm trọng ở tất cả các bộ phận. Trong lộ trình, hiện công ty vẫn còn tiếp tục tuyển dụng thêm từ 1000-2000 công nhân, nhưng theo ông Đặng Việt Dũng - Giám đốc nhân sự nhà máy thì “từ sau Tết Nguyên đán công ty liên tục có nhu cầu tuyển mới thêm công nhân, nhưng thời điểm này rất khó, lao động thì có nhưng tâm lý ngại sợ dịch nên họ chưa mặn mà trở lại làm việc. Chắc chắn thời gian tới các đơn hàng sẽ bị chậm, do thiếu hụt công nhân…”.

Công nhân công ty may An Hưng huyện Yên Thành Nghệ An trong giờ làm việc ngày 18-2.

Trước thực trạng này, bà Trần Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An cho hay, thống kê đến ngày 22-2 trong 51 doanh nghiệp thuộc KKT và các khu công nghiệp trong tỉnh có gần 5.000 lao động là F0. Số lượng các ca nhiễm dự kiến tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

"Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do trong doanh nghiệp phát sinh nhiều F0, F1. Công nhân bất an, nhiều công nhân tự ý nghỉ việc, dẫn đến thiếu hụt lao động trầm trọng. Doanh nghiệp có nguy cơ đứt gãy, tạm ngừng sản xuất kinh doanh do không đáp ứng các đơn hàng cho đối tác. Doanh nghiệp còn phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho công tác phòng, chống dịch", bà Trần Thị Nguyệt cho hay.

Đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội Nghệ An, cho biết: "Số ca nhiễm là công nhân trong khu công nghiệp trước Tết ít nhưng đến nay đang tăng lên. Mỗi ngày khoảng vài trăm công nhân".

Để bảo đảm đủ lực lượng lao động khi công nhân là F0 tăng cao, Nghệ An có nhiều giải pháp như hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người lao động, nghiên cứu thành lập các đơn vị thu dung, điều trị cho người lao động mắc Covid-19, các doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn do thiếu công nhân trong thời điểm này. Đồng thời, các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh xem xét việc kết nối với các trường đào tạo nghề trên địa bàn để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập, làm việc.

Theo chuyên gia, việc thiếu lao động còn xảy ra nhiều ở những DN không coi trọng chính sách giữ chân người lao động trong thời gian qua.

Trong cuộc làm việc tìm giải pháp "gỡ khó" cho cách doanh nghiệp diễn ra vào ngày 22-2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đã yêu cầu các sở, ngành vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ các doanh nghiệp huy động công nhân quay lại nơi làm việc.

Ngoài việc khảo sát về cơ sở vật chất, nơi lưu trú, mức lương của công nhân để có phương án phù hợp thu hút lao động vào làm việc tại khu công nghiệp, Phó Chủ tịch tỉnh cũng giao Ban quản lý KKT Đông Nam và Khu công nghiệp Vsip Nghệ An phối hợp khảo sát, điều tiết mặt bằng chung về thu nhập cho người lao động tại các khu công nghiệp.

Về vấn đề này, Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết đang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh và các địa phương hỗ trợ công tác kết nối cung - cầu lao động, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo bà Trần Thị Nguyệt, giải pháp căn cơ nhất để thu hút và giữ chân người lao động chính là vấn đề tiền lương. UBND tỉnh cần khuyến khích các nhà đầu tư điều chỉnh tăng lương cơ bản cho người lao động bởi hiện mức lương và thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại Nghệ An vẫn còn thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng, sinh hoạt phí ở mức cao.

"Hiện mức sống, chi phí sinh hoạt ở các địa phương trên cả nước đang đồng đều nhau hoặc có chênh lệch nhưng không đáng kể. Về lâu dài, theo tôi nên nghiên cứu một mức lương chung cho người lao động cả nước", bà Trần Thị Nguyệt chia sẻ.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP